Để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường, cần chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp... Ảnh: THÀNH HOA
Tại hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế: Còn lại gì sau các hiệp định thương mại tự do?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng tổ chức phi chính phủ ActionAid tổ chức tại TPHCM ngày 1-6-2015, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc VCCI) thể hiện sự ủng hộ đối với việc Việt Nam chủ động hội nhập để không bị thiệt thòi về tiếp cận các thị trường lớn khi các nước đang đua nhau ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, theo bà, nếu Việt Nam không có những cam kết trên thì không gian chính sách để bảo vệ ngành sản xuất trong nước như là… bầu trời, tức có thể hỗ trợ bất cứ điều gì cho doanh nghiệp trong nước. Còn mỗi lần có thêm cam kết, Việt Nam lại xây lên cho mình một khung hạn chế hỗ trợ doanh nghiệp.
Công cụ nào còn hợp pháp?
Theo bà Trang, cho đến nay, các cam kết WTO và FTA của Việt Nam tập trung vào bốn lĩnh vực là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, và sở hữu trí tuệ (IP), do đó không gian chính sách trong bốn lĩnh vực này để hỗ trợ sản xuất trong nước đã bị hạn chế.
Chẳng hạn như, về thương mại hàng hóa, công cụ thuế quan vẫn còn trong WTO vì Việt Nam chỉ cam kết giảm thuế chứ không xóa bỏ thuế, nhưng trong các FTA thì Việt Nam gần như đều cam kết đưa hầu hết các dòng thuế về 0%, như ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN). Hiện nay Việt Nam sắp ký kết và thực thi FTA với gần 50 nước nên theo đó, thuế là công cụ hỗ trợ khó có thể sử dụng được trong tương lai.
Biện pháp hỗ trợ sản xuất nội địa bằng hàng rào phi thuế quan, như giấy phép nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu,… hiện đã bị thu hẹp khá nhiều. Với các cam kết trong WTO, Việt Nam gần như không thực hiện biện pháp này được nữa.
Hiện có những chính sách bảo hộ Việt Nam chưa sử dụng hay sử dụng không hiệu quả, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần nữa và tự cam kết không dùng những chính sách này. |
Về biện pháp hỗ trợ bằng trợ cấp, như hỗ trợ tín dụng, hiện quy định trong WTO có hai loại thì trợ cấp “đèn đỏ” (trợ cấp cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trợ cấp để doanh nghiệp dùng hàng nội địa thay vì nhập khẩu) đã bị cấm hoàn toàn, chỉ còn lại trợ cấp “đèn vàng,” tức trợ cấp được phép nhưng vẫn có thể bị kiện.
Tuy nhiên, ngoài bốn lĩnh vực trên, không gian chính sách để Việt Nam hỗ trợ ngành sản xuất nội địa vẫn còn, mặc dù không nhiều. Không gian để dựng các hàng rào kỹ thuật còn khá rộng. Ta có thể tùy tình hình và nhu cầu để quyết định sử dụng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) như quy định về dán nhãn, quy cách kỹ thuật… hay biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS). Một biện pháp nữa đang được các nước phát triển sử dụng khá thuần thục và tinh tế là phòng vệ thương mại, như chống bán phá giá, chống trợ cấp, và tự vệ…
Bà Trang cho biết thêm, với những FTA đang đàm phán, như TPP, mức độ mở cửa và lĩnh vực cam kết rộng hơn và sâu hơn, theo đó các công cụ bảo hộ sẽ càng ít dần. Các đàm phán FTA trước đây của Việt Nam chủ yếu theo phương thức chọn cho, tức ngành nào được chọn “mở cửa” thì mở, còn lại là “đóng cửa”. Tuy nhiên, trong TPP, phương pháp đàm phán là chọn bỏ, tức giữ lại một số ngành Việt Nam muốn bảo hộ, còn lại phải “mở cửa” hết. Theo đó, không gian để Việt Nam bảo vệ cho những ngành như dịch vụ, và những ngành nào đó xuất hiện trong tương lai, là không còn nữa.
Ngoài ra, không chỉ chính sách bảo hộ bị thu hẹp, mà không gian chính sách trong việc điều hành có thể cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, trong TPP có nguyên tắc đối xử với nhà đầu tư nước ngoài một cách công bằng và bình đẳng, và cơ chế ISDS cho phép doanh nghiệp nước ngoài kiện Chính phủ ra trọng tài thương mại quốc tế. Theo đó, khi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam với các quy định có sẵn, nhưng nếu trong tương lai Việt Nam đưa ra các quy định mới, như tiêu chuẩn môi trường cao hơn, thì nhà đầu tư có thể kiện Chính phủ vì đã đối xử không công bằng, khiến họ mất lợi nhuận dự kiến. Do đó, dù không gian chính sách có thể là rộng, thì cũng sẽ bị hạn chế một cách vô hình, vì Chính phủ có thể sợ bị kiện mà không dám đưa ra các chính sách mới.
Chưa tận dụng những gì còn lại
Với không gian chính sách đang ngày càng hạn hẹp như vậy, Việt Nam đã và đang tận dụng những công cụ hiện hữu như thế nào để bảo vệ ngành sản xuất non kém trong nước?
Tại hội thảo hôm 1-6, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, nói rằng Chính phủ có rất ít chính sách hỗ trợ cho ngành gỗ. Tháng 6-2014, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong 10 ngành công nghiệp được quy hoạch có ngành chế biến gỗ, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành và đề cập đến ưu đãi.
Ông Hạnh cho biết thêm, trước đây có chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, hàng năm tổ chức cho khoảng 12 doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ triển lãm đồ gỗ, nhưng cũng đã bị cắt trong năm nay.
Theo bà Nguyễn Hằng Nga (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), Việt Nam hay bị nước ngoài “bắt giò” vì những trợ cấp như cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc trợ cấp dưới hình thức miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp xuất khẩu...
“Trong khi xử lý các vụ việc này, chúng tôi phát hiện là một số chương trình trợ cấp Việt Nam đưa ra không hiệu quả, nên doanh nghiệp bị điều tra trợ cấp cũng không biết đến chương trình này”, bà Nga cho biết.
Bà Nga cho rằng hỗ trợ, trợ cấp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành sản xuất chủ lực hay các ngành gặp khó khăn. Do đó, Việt Nam cũng nên trợ cấp, nhưng phải hiệu quả, thiết thực, tránh tràn lan. Và, doanh nghiệp khi nhận các trợ cấp này phải chuẩn bị sẵn tâm lý và nguồn lực, để chấp nhận đánh đổi khi bị kiện chống trợ cấp.
Đối với các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp... tính đến thời điểm hiện nay mặc dù Việt Nam phải chịu trên 80 vụ kiện điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng đến nay Việt Nam chỉ mới chủ động kiện ba vụ tự vệ, chống trợ cấp. Theo bà Trang, trên thế giới, 99% các vụ kiện này xuất phát từ đơn kiện của doanh nghiệp chứ không phải chính phủ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn đi kiện cũng không dễ vì thiếu thông tin...
Bên lề hội thảo, bà Trang cho biết thêm, hiện có những chính sách bảo hộ Việt Nam chưa sử dụng hay sử dụng không hiệu quả, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần nữa và tự cam kết không dùng những chính sách này.
theo thesaigontimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn