|
Tuổi trẻ tham gia làm đường giao thông nông thôn Nói như vậy là bởi trong khi làn sóng ly nông, ly hương đang diễn ra ở mọi vùng quê; trong khi có không ít thanh niên khao khát đổi đời theo kiểu "đốt cháy giai đoạn”, vẫn còn đó những thanh niên nông thôn hôm nay tự tin làm giàu bằng chính bàn tay và nghị lực của mình. Và từ câu chuyện về những thanh niên nông thôn tiêu biểu, người ta lại nghĩ tới những "kỹ sư” nông nghiệp không bằng cấp, không học hàm học vị, song những đóng góp, những sáng chế của các nhà khoa học nông dân luôn mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho cuộc sống. Nhiều người từng biết tới ông nông dân Nguyễn Văn Sành (thôn Thượng Dương, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, Hải Dương) đã chế tạo thành công nhiều loại máy móc, trong đó nổi tiếng nhất là máy bóc, thái hành tỏi "2 trong 1”. Xã Nam Trung quê ông Sành có nghề bóc, thái hành tỏi bằng tay. Thường thì một người khỏe lắm cũng chỉ bóc và thái được 17-18 kg/ngày, thu nhập không đáng là bao. Thấy mọi người quá cực nhọc, ông Sành quyết tâm chế tạo chiếc máy bóc, thái hành tỏi để bà con bớt khổ. Khi chiếc máy ra đời, công suất đạt 7-8 tạ/ngày, bằng 40 người ngồi thái thủ công. Tính đến nay, ông đã cho ra lò hàng ngàn chiếc máy bóc hành tỏi như thế. Trước là để phục vụ bà con trong xóm, ngoài làng, sau nữa là bán cho nông dân những vùng làm nghề trên khắp các vùng miền Tổ quốc, thậm chí còn xuất sang Trung Quốc, Lào... Hay có những phát minh đơn giản như của anh nông dân Nguyễn Hồng Chương ( Lạc Lâm, Đơn Dương, Lâm Đồng). Hơn 10 năm trước, trong khi phun thuốc trừ sâu cho cây rau, anh nảy ra sáng kiến cải tiến vòi phun và sau vài ngày mày mò hàn, tiện, chắp nối…, anh trình làng cái vòi tự chế dài thòng vừa giúp người lao động tránh xa mùi hóa chất độc hại vừa rút ngắn thời gian phun một bình thuốc từ 7 - 8 tiếng đồng hồ xuống chỉ còn chưa đầy 2 tiếng. Ngày nay, loại nông cụ cải tiến này của anh được dùng phổ biến trên đồng ruộng không chỉ ở Lâm Đồng. Sáng chế của anh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen sáng tạo kỹ thuật. Rồi còn vô vàn những sáng chế khác như máy nhổ lông vịt, lông gà, máy bóc lạc, máy gọt vỏ hoa quả…nghe tưởng giản đơn, nhưng nó đâu có được "made” bởi những kỹ sư có bằng sáng chế "xịn”, mà tất cả là phát minh từ trong lao động sản xuất của người nông dân. Chỉ có điều, những "kỹ sư chân đất”, những tấm gương lao động sản xuất giỏi được vinh danh đều chia sẻ rằng họ đơn giản là muốn làm giàu cho quê hương đất nước, tạo ra cái máy tăng năng suất giúp người lao động đỡ vất vả, muốn tạo ra công ăn việc làm cho những người còn ở lại gắn bó với đất làng…chứ không vì mục đích nào khác. Từ nông dân tay trắng lập nghiệp, từ nông dân mà trở thành đại gia, thành công chủ lớn, với mức thu nhập khủng khiến nhiều người mơ ước. Những nông dân ấy xứng đáng được biểu dương thì đã hẳn. Nhưng tấm gương lao động sản xuất không ngừng nghỉ ấy lại càng góp phần chứng minh rõ một điều: "Bàn tay ta làm nên tất cả”; lại càng chứng tỏ rằng lời người nông dân xưa dạy con: vàng ở ngay ngoài mảnh ruộng đầu thôn, chứ chẳng phải đi tìm kiếm đâu xa. Không phải thứ vàng "lướt sàn”, mà là những hạt vàng, những mùa vàng, những thành tựu vàng…ngay trên đồng ruộng- dù giờ đây đang ngày một bị thu hẹp lại. Hơn thế, chính họ- những người nông dân đang góp sức xây dựng quê hương cũng là những hạt vàng mười lấp lánh. Cũng từ những giải thưởng danh giá vinh danh người nông dân, hay từ những sáng chế khoa học thiết thực của họ, ngẫm mà thấy băn khoăn lạ. Bởi trên các phương tiện truyền thông, hình bóng của họ, những đóng góp của họ…sao còn mờ nhạt; những tấm gương lao động sản xuất giỏi đến thế, vậy mà tại sao vẫn còn quá ít người biết đến. Lẽ ra những tấm gương ấy, những điển hình ấy, nghị lực làm giàu đáng nể phục ấy phải được nhắc tới, để được nhân lên thật nhiều trong cuộc sống. Phải chăng họ không phải đối tượng câu "view” của truyền thông, nhất là với những trang thông tin mạng? |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn