Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về tình hình triển khai Nghị định 67 phát triển thủy sản. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã phản ánh những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 67 và đề nghị Trung ương nới các điều kiện để tiếp cận vốn vay.
Ít tàu được đóng mới
Khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định đã được lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phản ánh những tại cuộc họp. Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện tỉnh mới quyết định công nhận 3 chủ tàu được vay vốn. Cho đến tận ngày 23-4 các ngân hàng thương mại mới đồng ý cho vay, ký hợp đồng thêm 4 tàu và giải ngân được hơn 17 tỷ đồng. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi cũng phản ánh, rất nhiều ngư dân đã bán tàu cũ để vay mua tàu mới. Vậy mà cũng chưa được giải quyết cho vay. "Chừng nào ngân hàng còn chần chừ cho vay sẽ gây thiệt hại lớn cho ngư dân khi mà họ đã bán đi phương tiện sản xuất của mình”- Đại diện tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Tương tự, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, đến nay tỉnh đã phê duyệt được 24 tàu vỏ gỗ, 48 tàu vỏ thép. Thế nhưng, hiện mới có 4 tàu ký được hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, 4 tàu này đều bị vay vốn chậm tiến độ vì giá dự kiến tàu vỏ thép của Bộ NN&PTNT là 10 tỷ nhưng thực tế giá tàu đóng tới 18-19 tỷ đồng. Số tiền phải trả ngân hàng một năm lên tới 1,8-1,9 tỉ đồng. Thế nên ngư dân băn khoăn, ngân hàng cũng lo lắng vì khoản vay này quá lớn. Đại diện tỉnh Phú Yên thông tin: đến giờ cũng chỉ ký được 2 hợp đồng vay vốn đóng tàu. Việc thiết kế vỏ tàu gỗ, tàu vỏ thép cũng khó khăn. Phú Yên đã bỏ tiền để làm 4 mẫu tàu nhưng thực tế mỗi hộ ngư dân có 1 nhu cầu riêng, nên vẫn chưa thống nhất được.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại cuộc họp đã kêu khó về thủ tục đăng ký, thẩm định xét duyệt cho các dự án đóng tàu khai thác và dịch vụ khai thác xa bờ. Đại diện tỉnh Bến Tre cho biết: Nghị định yêu cầu chủ phương tiện hoạt động có khả năng tài chính, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, tiêu chí cụ thể thế nào là hiệu quả thì chưa được làm rõ! Trong khi đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành 21 mẫu tàu vỏ sắt trong lúc phần lớn ngư dân muốn đóng tàu vỏ gỗ thì chưa có mẫu tàu chuẩn.
Đồng quan điểm, đại diện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị: Nếu ngư dân nộp thiết kế đóng tàu mới mà không giống mẫu của Bộ NN&PTNT thì cần có giải pháp hỗ trợ thiết kế cho ngư dân. Thực tế, ngư dân đã phải trả tới 200 triệu để thuê thiết kế tàu mới. Nếu không được đóng tàu mới thì hỗ trợ người dân hoán cải tàu cá hiện tại để tạo điều kiện đánh bắt xa bờ.
Tháo gỡ vướng mắc để ngư dân tiếp cận nguồn vốn
Tư vấn độc lập thẩm định giá trị tàu
Giải đáp những thắc mắc của các địa phương, đại diện ngân hàng BIDV cho biết, đã chỉ đạo quyết liệt các chi nhánh cho vay. Dự kiến đến hết tháng 5 sẽ có 20 tàu đóng mới nữa được cho vay, nâng tổng số lên 57 tàu. Ngân hàng sẵn sàng ủng hộ ngư dân theo phương châm cho vay mức tối đa theo hướng dẫn. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này chính là con tàu.
Về vấn đề tiếp cận vốn của ngư dân vay theo Nghị định 67, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: Chưa có trường hợp nào hồ sơ đã được duyệt mà không được vay ở mức tối đa. Cũng chưa có trường hợp nào tài sản bảo đảm vay không phải là chính con tàu. NHNN đã chỉ đạo, quán triệt sẽ xử lý nghiêm nếu bất tuân quy định của Chính phủ trong chương trình này. Với vấn đề lãi suất 7%, Phó Thống đốc cho biết, khi Bộ NN&PTNT xây dựng dự thảo thì đó là mức cho vay ưu đãi nhất tại thời điểm đó. Giờ cũng là mức lãi ưu đãi nhất cho các chương trình. "Khi lãi suất có xu hướng giảm xuống NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh nhưng theo tìm hiểu, lãi suất ko phải yếu tố duy nhất và cao nhất quyết định lựa chọn của người dân mà là việc hỗ trợ thiết kế tàu, thời hạn vay, mức đóng góp giải ngân…”- ông Tiến nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, nguồn vốn huy động cho quá trình thực hiện Nghị định còn thiếu so với nhu cầu thực tế thì cần tiếp tục tìm nguồn vốn để tăng vốn đầu tư cho hạ tầng ngành thủy sản. Để tháo gỡ vướng mắc, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, trình Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho hạ tầng ngành thủy sản. Đặc biệt, trong kế hoạch trung hạn từ 2016- 2020 dứt khoát phải ưu tiên cho lĩnh vực này.
Đồng ý với đề xuất hoán cải nâng cấp tàu của một số địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị: Tàu có công suất trên 400 CV không thay máy mới muốn nâng cấp trang thiết bị, ngư lưới cụ sẽ nằm trong diện được hỗ trợ vay vốn. Về thiết kế tàu, Phó Thủ tướng cho rằng, với những điều chỉnh nhỏ không ảnh hưởng tới an toàn của con tàu thì ủy quyền địa phương điều chỉnh và phải chịu trách nhiệm về thiết kế này. Còn điều chỉnh lớn thì vẫn phải thông qua Bộ NN&PTNT làm cơ quan đầu mối. Riêng với tàu vỏ gỗ, Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ thiết kế tàu, vỏ tàu và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho ngư dân. Còn về tín dụng, phải có định mức cụ thể để người dân vay tối đa được bao nhiêu tiền. Về thẩm định giá trị con tàu Phó Thủ tướng đề nghị thuê công ty tư vấn thẩm định độc lập để minh bạch thông tin. Ai làm sai người ấy phải chịu trách nhiệm. Nếu chưa có cơ quan thẩm định độc lập tạm thời giao cho cơ quan thẩm định giá của các SởTài chính địa phương.
Lục Bình
theo daidoanket.