11:58 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Về xã nông thôn mới đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm - 16/01/2014 21:25
Xã Ðại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang là đơn vị đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đạt chuẩn nông thôn mới. Ðây là kết quả của sự nỗ lực hưởng ứng của người dân và sự đầu tư đồng bộ của tỉnh, phân chia trách nhiệm và lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt của xã Đại Thành.

Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt của xã Đại Thành.

Ðổi thay ở một vùng quê

Những ngày cuối tháng 12-2013, chúng tôi có dịp về dự lễ công nhận xã Ðại Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Lễ được tiến hành vào buổi tối, nhưng ngay từ sáng sớm, không khí chuẩn bị đã nhộn nhịp như ngày hội. Trên con đường nhựa phẳng phiu dẫn về ấp Sơn Phú (ấp không còn hộ nghèo) đầy cờ hoa chào mừng, cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhà xây mọc lên san sát, ẩn hiện sau những vườn cây trái xanh tốt. Nhiều bà con ở đây cho biết tranh thủ làm vườn rẫy cho sớm để đi dự lễ. Vừa gặp chúng tôi, lão nông Nguyễn Văn Sáu phấn khởi kể: "Lúc mới chia tách tỉnh vào năm 2004, đường làng xứ này đi lại vô cùng khó khăn, cảnh quan môi trường nhếch nhác, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, chợ cũng không có, đời sống bà con vất vả lắm... Vậy mà bây giờ đã thay đổi đến không ngờ, nhất là ba năm trở lại đây, gia đình nào cũng có xe mô-tô, ti-vi, máy lạnh... không thua gì ở thành thị".

Theo ông Sáu, đời sống vật chất, tinh thần người dân cải thiện rõ rệt là nhờ chính quyền địa phương vận động đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Một trong những mô hình hiệu quả nhất hiện nay là phát triển cây cam. Anh Nguyễn Văn Khoa ở ấp Sơn Phú, từ 2,5 công mía, chuyển sang trồng cam xoàn, năm nay cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Anh Khoa kể rằng: "Nhờ cây cam mà Tết năm nay gia đình tôi mới có điều kiện sắm sửa kha khá, chứ mấy năm trước eo xèo lắm". Hiệu quả từ cây cam đã tạo ra sức hút mạnh, rất nhiều nông dân bỏ mía, lúa để lập vườn. Ông Trần Văn A, ở ấp Sơn Phú nổi tiếng là "mê" làm vườn đến nỗi suốt ngày đi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm về thử nghiệm lấy gốc bưởi để ghép cam sành; lấy gốc chanh ghép cam mật, cam xoàn; lấy gốc xoài tứ quý ghép xoài Thái... để làm nguồn giống tốt cho vườn của mình. Tuy ông mới chuyển từ 1,4 ha lúa, mía sang trồng cam sành và bưởi được hơn ba năm nay, nhưng bước đầu cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Văn A cho biết: "Có làm vườn mới thấy mê. Nói thiệt với chú không phải "nổ", chứ bà con ở đây đang đua nhau làm giàu từ cây cam, cây bưởi".

Không những thế, ở xã Ðại Thành bây giờ còn phát triển mạnh loại hình kinh tế hợp tác. Ðến nay xã đã thành lập được ba hợp tác xã (HTX) và 29 tổ hợp tác. Các HTX đã có sự liên kết chặt chẽ, hình thức hoạt động khá đa dạng. Ở đó, nông dân liên kết với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, thuốc thủy sản với giá rẻ để giá thành sản xuất cá tra được giảm xuống. Thấy phong trào nuôi cá phát triển, nghiệp đoàn kéo cá cũng ra đời, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động ở địa phương. Còn ở Liên minh HTX Ðại Thành, tuy mới thành lập nhưng đã có định hướng tự ươm giống cây có múi sạch bệnh 100 nghìn cây giống/vụ để cung ứng cho bà con trong xã và các vùng lân cận. Ðồng thời tổ chức thu mua trái cây, đặc biệt là cam sành, cam xoàn phân phối đến các siêu thị, các thành phố lớn để quảng bá thương hiệu cam Ngã Bảy. Bên cạnh đó, nhiều mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật được triển khai có hiệu quả như chăn nuôi gia súc trên thảm sinh học, nhân giống lúa chất lượng cao, trồng mãng cầu với kỹ thuật chấm nụ, đều đem lại hiệu quả cao...

Hiện nay, những nông dân triệu phú, tỷ phú không phải là hiếm ở xã Ðại Thành. Theo thống kê của xã, hiện có 18 hộ thu nhập mỗi năm một tỷ đồng trở lên, 110 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng, 450 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Ước tính, con số này sẽ được nâng lên trong thời gian tới, vì trong số 1.300 ha trồng cây có múi mà chủ lực là cam sành thì chỉ 400 ha đang cho trái, 900 ha còn lại sẽ cho thu hoạch vào cuối năm 2014. Có thể nói, khi kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường cũng cải thiện đáng kể, cơ sở vật chất hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, chợ nông thôn, nhà văn hóa,... được đầu tư hoàn thiện phục vụ đời sống người dân, tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Theo Chủ tịch UBND xã Ðại Thành Dương Văn Giang, trong quá trình thực hiện, địa phương tập trung quyết liệt nhóm tiêu chí nâng cao đời sống nhân dân, nhằm tạo khí thế phấn khởi, vừa nuôi dưỡng sức dân, vừa được lòng dân. Theo đó, chương trình phát triển kinh tế được hoạch định cụ thể cho người dân và tổ chức thực hiện hiệu quả, nên huy động được sức dân thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ðiều này có thể thấy qua việc hàng trăm km đường giao thông nông thôn được trải nhựa, cứng hóa; toàn bộ gần 2.000 ha đất sản xuất của xã được xây dựng đê bao khép kín..., trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân. Ba năm qua, tổng vốn đầu tư cho xã hơn 380,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 102,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Ðại Thành đạt 23,9 triệu đồng/người/năm (tăng 6,9 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo từ 7,7% giảm xuống còn 3,93% (111 hộ nghèo).

Chứng kiến, gặp gỡ, trao đổi với nông dân và các đồng chí lãnh đạo địa phương, có thể thấy điểm nổi bật của xã Ðại Thành là sản xuất không ngừng phát triển, nhất là người dân đã biết liên kết, hình thành phương thức làm ăn mới, để cùng phát triển bền vững. Nhờ vậy, thu nhập của người dân tăng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, trật tự xã hội được bảo đảm, cảnh quan môi trường sạch đẹp, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Bí thư Thị ủy Ngã Bảy Trịnh Quang Hưng chia sẻ: "Lợi thế của xã Ðại Thành có xuất phát điểm khá tốt là một xã văn hóa và là một trong 11 xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc đầu tư đồng bộ của tỉnh, phân chia lộ trình thực hiện phù hợp, đặc biệt là trong quá trình thực hiện, địa phương đã biết dựa vào dân, lấy dân làm chủ thể để phát huy sức mạnh và mọi việc làm đều lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu phấn đấu. Ðây là nhân tố quan trọng quyết định thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, không chỉ dừng lại ở đây mà cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới"...

Nắng chiều dần tắt. Dòng người bắt đầu lần lượt đi vào khu vực Nhà văn hóa xã để dự lễ ngày một đông. Tiếng nói, cười hòa lẫn tiếng nô đùa của các em nhỏ đang quây quần bên đội múa lân trước cổng, càng làm cho không khí trở nên náo nhiệt. Và điều ai cũng cảm nhận được, đó là sức sống mới thật sự đã và đang về trên quê hương Ðại Thành - xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên ở ÐBSCL.

BÀI, ẢNH: PHÙNG DŨNG
theo nhandan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 321

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 319


Hôm nayHôm nay : 86008

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1058176

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71285491