Chỉ đạo này nhằm tránh “bội thực” giống lúa IR 50404 như vụ đông xuân vừa qua.
Theo phản ánh, nguyên nhân dẫn đến việc tồn nhiều lúa ở ĐBSCL vụ vừa qua là do cơ cấu giống không phù hợp như giống IR 50404 đã vượt hơn 50% diện tích. Vì sao có thực trạng này, thưa ông?
- Vụ đông xuân 2011-2012, Bộ đã định hướng rõ cơ cấu giống, thời vụ sản xuất, bố trí lại cơ cấu mùa vụ trong năm theo hướng đưa vụ đông xuân sớm lên để có hè thu sớm, thu đông sớm, đảm bảo mỗi vụ cách nhau ít nhất từ 2-3 tuần.
Nông dân nhiều nơi vẫn ưa thích trồng lúa giống IR 50404. |
Việc bố trí lại còn nhằm giảm áp lực thời vụ, lao động, đặc biệt là sâu bệnh. Song có một điều đáng tiếc là bà con vẫn ồ ạt gieo trồng IR 50404, vượt trên 50% diện tích khuyến cáo. Trên thực tế, giống lúa IR 50404 chẳng có tội tình gì cả, đây là giống tốt, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh khá, nhưng có nhược điểm là hạt gạo bị bạc bụng vì thế rất khó tiêu thụ ở thị trường nhập khẩu gạo có đòi hỏi cao về phẩm cấp.
Vậy phải chăng, công tác dự báo thị trường xuất khẩu gạo “có vấn đề” nên dẫn đến tình trạng nông dân cứ mạnh ai nấy làm?
- Thực tế, công tác dự báo đã được cải tiến nhiều như dự báo thị trường gạo, phẩm chất gạo để đưa ra những định hướng trước mỗi vụ sản xuất. Năm 2012, dự báo chung thị trường vẫn thuận lợi. Song có một bất ngờ là Pakistan, Myanmar và Ấn Độ đã “nhảy vào” hoạt động cung cấp gạo phẩm cấp thấp, nên đã làm giảm khả năng tiêu thụ gạo của nước ta sang các thị trường châu Á, châu Phi. Do đó, chúng tôi đã có văn bản nêu rõ, đối với giống chủ lực, mỗi vùng sản xuất không quá 15-20% tổng diện tích gieo cấy.
Thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp, trung bình đang có xu hướng chững lại. Vậy trong vụ hè thu tới, các địa phương cần tập trung sản xuất những giống gì?
- Chúng ta vẫn duy trì được các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia, Philippines và một số thị trường châu Phi. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vẫn chưa nhiều và thấp hơn so với bình quân năm 2011. Có một thay đổi đáng chú ý, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ khá lớn lượng gạo phẩm cấp thấp và trung bình của nước ta. Thực tế vụ đông xuân là bài học mà vụ hè thu này phải rút kinh nghiệm để bố trí cơ cấu giống phù hợp với đảm bảo xuất khẩu gạo ở cả phẩm cấp thấp, trung bình và cao.
Đồng loạt xuống giống để né rầy
Về sản xuất vụ hè thu tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có công điện chỉ đạo các địa phương: Đối với vùng chưa gieo sạ, làm kỹ vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ lúa hè thu tập trung, đồng loạt để né rầy theo đúng thời vụ được chính quyền địa phương quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên đầu tư vào sản xuất các giống gạo phẩm cấp cao (5% tấm) ngay tại vụ hè thu này, vì đang có thị trường. Quan điểm của Bộ NNPTNT về vấn đề này như thế nào?
- Trong vụ hè thu này, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo các địa phương chỉ gieo giống có phẩm cấp cao. Hiện các địa phương đã chuẩn bị các giống này khá đầy đủ, giá cũng hợp lý. Vấn đề là, chúng ta phải tiếp tục chỉ đạo để cho bà con thấy rõ rằng không nên lợi dụng những ưu thế về năng suất của các giống có phẩm cấp thấp như IR 50404 để gieo cấy trong vụ hè thu, vì vụ này còn khó khăn gấp bội so với vụ đông xuân. Khi thu hoạch vụ hè thu, nếu không có máy sấy, gặp mưa, thì đối với lúa IR 50404 sẽ tiếp tục bị hạ giá, khó tiêu thụ. Chúng tôi xin lưu ý lại, các địa phương tuyệt đối không gieo IR 50404 quá 20%.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn