Trong khi các hàng rào thuế quan ngày càng được gỡ bỏ thì các rào cản kỹ thuật, phi thuế quan lại được dựng lên. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng trước nhiều nỗi lo khi cảnh báo liên tiếp được đưa ra.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đưa ra dữ liệu giật mình. Cụ thể, tính đến tháng 10, Bộ này nhận được 45 thông báo, trong đó có 35 thông báo liên quan đến việc các nước điều chỉnh những tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong nông sản.
Điều này được hiểu rằng, nếu các lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam không đáp ứng được các điều chỉnh thay đổi mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ khó thành công trong xuất cảnh để đi vào các nước nhập khẩu.
Tới nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã vượt con số 14 tỷ USD, tuy thế thì các thách thức xuất khẩu vẫn còn rất nặng nề. Các nước ngày càng chặt chẽ hơn trong việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật.
Với thói quen trồng trọt sản xuất cũ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý cũng như phun thuốc quá liều lượng không đảm bảo các chỉ tiêu khi thu hoạch nên hàng hóa khi kiểm tra xuất khẩu vi phạm về các vấn đề vi sinh vật hoặc mức dư lượng tối đa thuốc bảo thực vật, vượt quá ngưỡng.
Theo TS Trần Thanh Tùng- giám đốc Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, điều này đã dẫn đến việc hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại hàng. Gây thiệt hại cho người nông dân, và doanh nghiệp mất uy tín, dẫn đến những khó khăn về sau.
Chẳng hạn như muốn đưa nông sản sang thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam phải chấp nhận quyền đến kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Nếu doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu sẽ bị FDA hủy đăng ký, như vậy không thể xuất vào thị trường này. Được biết từ năm 2014 - 2016, nhiều chuyến hàng xuất khẩu sang Mỹ bị từ chối, gây rắc rối cho các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với bài toán kinh tế mà còn có khả năng bị phạt hợp đồng.
Từ thực tế đặt ra, theo bà Vũ Kim Hạnh- chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thì phải thay đổi quan niệm và cách tổ chức sản xuất chuỗi cung ứng. Trong đó, mỗi khâu đều phải có tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro, có thiết bị, chuyên gia để khi nông sản thực phẩm xuất sang các nước đáp ứng được quy trình, tiêu chuẩn của nước đó.
Bà Hạnh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ NNPTNT, Bộ KHCN, Bộ Công thương phải nhanh chóng nghiên cứu những quy định mới này. Từ đó đưa ra những hướng dẫn phù hợp và các yêu cầu của giai đoạn mới như truy xuất nguồn gốc, áp dụng và tuân thủ tiêu chuẩn minh bạch, công khai theo đúng yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu.
Giới chuyên gia cũng cho rằng để nông sản thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường lớn, Việt Nam cần đề ra các chính sách khuyến khích sản xuất các mặt hàng uất khẩu đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Các quy định này phải cụ thể, nhất là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điệu kiện an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu; Quy phạm thực hành VietGAP nhằm kiểm soát lĩnh vực an toàn thực phẩm, giảm tác động đến môi trường...
H.Hương
http://daidoanket.vn/