Có dịp đi trên các tuyến lộ bờ bao liên ấp xã An Phú Tân (Cầu Kè - Trà Vinh) mới thấy hết diện mạo mới đang dần thay đổi ở xã vùng sâu, đông dân còn nhiều khó khăn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng bài bản, từng bước nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Sau 5 năm xây dựng xã văn hóa, An Phú Tân không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng các thiết chế và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa. Nổi bật nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) - phong trào đã lan tỏa, thấm sâu vào từng gia đình, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân.
Sau một năm An Phú Tân được công nhận xã văn hoá, đời sống của người dân đã đi vào ổn định và phát triển, thu nhập bình quân đạt 23,801 triệu đồng/người/năm (tăng 1,3 lần so với bình quân chung của tỉnh). Những năm qua, nông dân An Phú Tân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả. Một trong số đó là mô hình chuyển đổi từ vườn cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, với diện tích trên 600ha, sản lượng thu hoạch 25.000 – 30.000 tấn/năm, đem về nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng. Gần như 100% số hộ nơi đây quanh năm chỉ sinh sống bằng nghề làm vườn, trong đó hộ nào ít đất cũng sở hữu khoảng vài trăm gốc chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…, có hộ lên đến hàng ngàn gốc, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Hiện, An Phú Tân có 2.145 hộ khá - giàu (chiếm 80% số hộ toàn xã), hộ nghèo còn 165 hộ (chiếm 6,15%), số hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố là 2.384 hộ (88,8%), 2.589 hộ được sử dụng điện (96%), 2.500 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh (95,2%), 6/6 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa, hơn 94% số hộ được công nhận gia đình văn hoá... Những năm qua, An Phú Tân đều được xét công nhận đạt chuẩn về công tác giáo dục phổ cập THCS, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường đạt 100%. Xã hiện có 2 bưu điện văn hóa, 1 thư viện đặt tại UBND xã và 6 thư viện ở các trường học với 2.029 đầu sách các loại. Hiện, các tuyến đường giao thông liên ấp trên địa bàn xã đã xây dựng hoàn chỉnh, được bê-tông hóa trên 95%, đảm bảo tốt việc đi lại cho nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Út, Phó chủ tịch UBND xã, phấn khởi nói: “Từ khi địa phương triển khai XDNTM, ý thức và tinh thần tự giác của bà con ở đây rất cao. Trước đây, khi có kế hoạch làm lộ giao thông nông thôn, do ảnh hưởng đến tài sản của nhiều hộ dân nên rất khó triển khai. Nhưng nay hiểu được ý nghĩa và lợi ích chung khi xây dựng xã NTM, bà con bắt tay ngay vào nâng cấp, cải tạo các công trình lộ giao thông, sẵn sàng hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu… mà không cần đắn đo suy tính”. Xã đã triển khai 271 cuộc tuyên truyền về XDNTM với 13.369 lượt người tham dự. Tổng nguồn vốn đầu tư XDNTM trên địa bàn đạt 56,9 tỷ đồng; trong đó vốn nhân dân tham gia đối ứng 712 triệu đồng, chưa kể bà con hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học...
Theo chân anh Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng ban nhân dân ấp Tân Quy 1, sau cả buổi đi quanh đường đê bao cù lao Tân Quy, chúng tôi ghé lại nhà vườn chuyên canh chôm chôm của anh Đỗ Văn Tài ở ấp Tân Quy 1. Anh Tài cho biết: “Chôm chôm Java là cây thế mạnh ở cù lao Tân Quy. Thời gian qua, chôm chôm Java đi thi và đoạt giải liên tục nên nhiều công ty, thương lái biết tiếng, tìm đến mua ngày càng nhiều. Có thương hiệu, trái chôm chôm sẽ có “cửa” vào siêu thị, tạo đầu ra ổn định cho loại trái cây đặc sản của vùng đất cù lao này. Với 5 công chôm chôm, mỗi năm cho sản lượng 18 – 20 tấn trái, gia đình tôi có nguồn thu nhập khá”. Ai đã một lần về thăm cù lao Tân Quy, dọc trên tuyến đê bao, đến đâu cũng bắt gặp màu xanh trong lành của cây trái, đón những làn gió mát từ sông Hậu hiền hòa, cảm nhận khó quên về nhịp sống an lành.
Với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân An Phú Tân, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị được kiện toàn, dân chủ ở cơ sở được phát huy, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, kết cấu hạ tầng phát triển, giao thông nông thôn được nâng cấp, hệ thống thông tin liên lạc được mở rộng, hệ thống nước sạch được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
An Phú Tân đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Với sự nỗ lực, đoàn kết nhất trí trong hệ thống chính trị và nhân dân, xã quyết tâm phấn đấu hoàn thành XDNTM vào năm 2015.