Xã Đa Phước (Bình Chánh): Gặp khó với tiêu chí về môi trường
Thứ tư - 12/03/2014 20:32
Hoạt động bảo vệ môi trường tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của thành phố.
Tại đây, những năm qua phong trào bảo vệ môi trường diễn ra sôi nổi với hoạt động của câu lạc bộ nông dân thân thiện với môi trường, hoạt động thu gom rác dân lập, trồng cây bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường kênh rạch... Tuy nhiên, thành quả thực hiện tiêu chí về môi trường tại xã đang bị đe dọa bởi các diễn biến phức tạp môi trường tại địa phương.
Công tác bảo vệ môi trường đang được đẩy mạnh tại xã Đa Phước.
Theo thông tin từ Hội Nông dân xã Đa Phước, tình hình môi trường còn diễn biến phức tạp nên các đoàn thể địa phương đang nỗ lực để đẩy mạnh giám sát hoạt động môi trường. Thời gian qua, qua việc giám sát, kiểm tra lực lượng chức năng xã đã phát hiện một số cơ sở sản xuất hạt nhựa trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở này nhanh chóng bị xử lý và di dời. Mới đây, các đoàn thể của xã trong quá trình kiểm tra cũng phát hiện một cơ sở ép lông vịt gây ô nhiễm nguồn nước và cơ sở này cũng bị xử lý nghiêm.
Cũng theo Hội Nông dân xã Đa Phước, hiện nay ô nhiễm nguồn nước đang là mối đe dọa lớn nhất, bởi tại xã hiện còn khoảng 30 hộ nuôi tôm tại các khu vực ven sông, rạch. Trong khi đó tình trạng xả thải, xả rác xuống kênh, rạch vẫn còn. Đặc biệt tại xã có khu xử lý rác Đa Phước cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước cho biết, công tác giám sát môi trường được đẩy mạnh nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất của người nuôi tôm. Tại xã có đoàn cán bộ liên ngành thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất của các cơ sở gây ô nhiễm, nếu phát hiện có hành vi vi phạm về bảo vệ ô nhiễm môi trường thì sẽ xử lý ngay.
Cũng theo ông Xuân, xã đang xúc tiến thành lập thêm tổ thu gom rác dân lập để thu gom vận chuyển rác sinh hoạt, bên cạnh đó xã cũng vận động người dân thu gom rác tập trung, không xả rác ra môi trường, nhất là môi trường kênh, rạch. “Đối với tiêu chí môi trường, để duy trì được là một việc rất khó khăn.
Các tiêu chí khác khi đạt được thì có thể duy trì trong thời gian dài, nhưng với tiêu chí môi trường chính quyền, đoàn thể địa phương cần hết sức nỗ lực nắm bắt, theo dõi tình hình để có hướng xử lý khi phát sinh các vấn đề gây ảnh hưởng đến môi trường” - ông Phạm Thành Xuân cho biết.