Để đạt tiêu chí xã văn hóa, xã nông thôn mới, chính quyền địa phương đến vận động người dân bỏ quỹ đất, đầu tư kinh phí để xây dựng chợ. Sau khi ra mắt xã văn hóa xong, chính quyền địa phương lại không tích cực vận động các hộ tiểu thương vào chợ mua bán, kinh doanh để ngôi chợ này bỏ hoang, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Đó là trường hợp gây bức xúc tại nhiều địa phương của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Được chính quyền địa phương vận động, hộ bà Trần Thị Kim Xuân, ở xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đầu tư trên 6 tỉ đồng xây dựng chợ trung tâm xã. Ngôi chợ này xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, trên diện tích 5.000 mét vuông đất, phục vụ cho khoảng 200 hộ tiểu thương mua bán.
Chợ Long Hòa vắng lặng
Hơn 3 năm qua, chợ Long Hòa trong tình cảnh điều hiu vì các hộ tiểu thương không chịu vào mua bán tại đây mà cứ tụ tập tại chợ lề đường. Chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhưng cũng không thuyết phục được các hộ tiểu thương.
“Người dân rất bức xúc vì đã bỏ số tiền lớn đầu tư xây chợ nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa mua bán được. Hiện người dân trong xã vẫn đi chợ phía trong, không chịu ra chợ này. Chính quyền xã, các cơ quan cần ủng hộ hết mình để chợ sớm đi vào hoạt động hoạt động, bởi nhiều gia đình đã đầu tư vốn vào chợ đến nay đang gặp nhiều khó khăn” - bà Xuân nói.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, trường hợp ông Nguyễn Anh Dũng ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành cũng trong trường hợp tương tự. Qua sự vận động của lãnh đạo UBND xã xây dựng chợ để giúp xã đạt tiêu chí nông thôn mới ông Dũng đầu tư kinh phí trên 1 tỉ đồng để xây dựng Chợ Thân Hòa, phục vụ cho khoảng 100 hộ tiểu thương.
Hơn 1 năm qua, chợ này cũng không có hộ tiểu thương nào vào đây mua bán. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp nào khả thi để đưa chợ vào hoạt động như mong ước của hộ dân bỏ tiền đầu tư.
Ông Đoàn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa, chia sẻ: Chợ Thân Hòa hiện nay gặp khó khăn do người dân chưa đồng thuận với chủ trương của chính quyền. Người dân lấy lí do chuyển vào chợ sẽ phải đóng tiền thuê mặt bằng. Tới đây huyện và xã sẽ có chủ trương tiếp tục vận động để người dân thấy được lợi ích khi vào chợ mới.
Chợ xây xong đã lâu nhưng không có người kinh doanh.
Theo Sở Công thương hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, để các chợ “xã hội hóa” này hoạt động thì phải xóa các điểm bán lề đường, vận động các tiểu thương vào bán tập trung trong chợ để đảm bảo an toàn, giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, công việc này không đơn giản; đồng thời đối với các chợ kém tính khả thi thì nên chuyển đổi công năng.
Ông Cao Thiên Thọ, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bến Tre), cho rằng hướng xử lý đối với những chợ đã xây xong nếu không có khả năng khai thác được sẽ bàn với chủ chợ chuyển đổi công năng sang việc khác khác hoặc cho thuê.
Xã hội hóa xây chợ nông thôn là chủ trương đúng đắn. Việc đầu tư xây chợ đòi hỏi người dân phải có nguồn vốn và qũy đất lớn. Do đó các ngành chức năng và chính quyền tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cần sớm có những biện pháp khả thi, quyết liệt hơn để giúp người dân ổn định nơi mua bán, giúp nhà đầu tư khai thác hiệu quả, sớm thu hồi vốn, khắc phục việc lãng phí từ những chợ “bỏ hoang”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn