Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây dựng đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cồn Cỏ (Quảng Trị), đề án xây dựng Đảo thanh niên giai đoạn 2013-2020 sẽ thực hiện thêm tại 3 đảo: Đảo Trần (Quảng Ninh), Hòn Chuối (Cà Mau), Thổ Châu (Kiên Giang). Đây là những đảo còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động, nguồn nước ngọt, điện…
Đại diện đoàn công tác tỉnh Cà Mau, Bí thư Tỉnh Đoàn Trương Đăng Khoa giới thiệu khái quát đảo Hòn Chuối: Đảo nằm ở vùng biển phía Tây tận cùng của Tổ quốc, còn nhiều khó khăn. Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và lực lượng biên phòng trên đảo. Nhà cửa tạm bợ, chưa có cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm.Phương tiện nối đất liền với đảo còn hạn chế. Được chọn để xây dựng Đảo thanh niên là điều kiện tốt để phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trên đảo.
Tại hội nghị, đại biểu của 5 địa phương thực hiện Đề án xây dựng Đảo thanh niên đã trình bày các vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng Đảo thanh niên.
Trong đó, nổi bật vấn đề thu hút lực lượng thanh niên ra đảo, nhất là những thanh niên có trình độ, tay nghề. Đại diện lãnh đạo huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết: Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành một nghị quyết đưa nhân dân ra Đảo Trần sinh sống để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Đảo sẽ quy hoạch và bố trí khoảng 50 hộ, 100 lao động.
Hiện nay, đã có 17 hộ dân ra Đảo Trần sinh sống. Định hướng xây dựng đảo trong giai đoạn mới, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vĩ Bùi Đức Quang cho biết: Tiếp tục duy trì lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) hiện có, phát triển sản xuất dịch vụ và tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân
Ông Quang cũng cho biết: Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên đảo cần tuyển lựa những TNXP có nghề biển để khai thác thủy hải sản; Thu hút những người có trình độ để đào tạo làm lãnh đạo cấp xã, huyện phục vụ địa phương, góp phần nâng cao dân trí.
Đại diện lãnh đạo Đảo thanh niên Cồn Cỏ, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo, Phạm Thanh Bình chia sẻ bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển Đảo thanh niên: “Cần đảm bảo tốt ở mức có thể các điều kiện tối thiểu đối với điều kiện sinh hoạt cho thanh niên xây dựng đảo. Thanh niên là lực lượng năng động có chí tiến thủ nhưng phải có đất và tạo điều kiện thuận lợi để cho họ hoạt động”.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: T.Ư Đoàn có trách nhiệm tuyên truyền vận động thanh niên ra đảo; Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố đề xuất tham mưu các chính sách cho thanh niên yên tâm công tác ở các đảo.
Mục tiêu là tuyển chọn được đội ngũ cán bộ có trình độ phù hợp với các nội dung triển khai thực hiện dự án và quy hoạch đào tạo cán bộ cho các huyện, xã đảo trong thời gian từ nay đến năm 2020. Năm 2015 sẽ tuyển chọn và đưa thanh niên ra đảo.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cũng cho biết: Đảo thanh niên là đảo tiêu biểu về phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng an ninh, trong đó lực lượng thanh niên xung phong và đoàn viên là nòng cốt. Đảo thanh niên có đơn vị hành chính cấp huyện, xã, xây dựng theo mô hình nông thôn mới.Mục tiêu của Đề án là sẽ tiếp nhận khoảng 590 hộ dân cư và gia đình TNXP ra đảo lập nghiệp ổn định lâu dài, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.000 lao động và gần 4.000 lao động thời vụ; Xây dựng hạ tầng cơ sở xã hội thiết yếu giúp cư dân ổn định cuộc sống, ngư dân bám biển, tạo việc làm và thu nhập cho các lao động trên đảo; Trồng mới và bảo vệ gần 1.500 ha rừng phòng hộ trên đảo. Củng cố, thành lập các Tổng đội TNXP làm nòng cốt tham gia phát triển kinh tế, xây dựng và ổn định tại các khu dân cư, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.