Ngày 9/7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai biện pháp cấp bách 6 tháng cuối năm 2015.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước mới có 27 tỉnh, TP ban hành đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Ngoài ra, 52/63 tỉnh, TP phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết đã được các địa phương chú trọng, bên cạnh việc xây dựng mới các liên kết trong chăn nuôi đã tập trung đa dạng hóa các mô hình cao được phát triển trong thời gian qua góp phần tạo đột phá trong gia tăng giá trị các sản phẩm chăn nuôi…
Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù đạt một số kết quả bước đầu nhưng công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở một số các địa phương còn chưa đồng bộ và hiệu quả, chưa huy động được nguồn lực đủ mạnh trong quá trình thực hiện. Nhiều địa phương còn lúng túng chưa phân biệt nội dung và giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu với các hoạt động chung, thường xuyên của ngành chăn nuôi. Quy hoạch chăn nuôi còn mang nặng tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu Đề án tái cơ cấu... Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, hội nghị lần này như một "Hội nghị Diên Hồng" trong lĩnh vực chăn nuôi bởi quá trình hội nhập đã đến rất gần, trong khi ngành chăn nuôi trong nước còn rất nhiều yếu kém. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhiệm vụ chính thời gian tới là kiên quyết, cấp bách xây dựng một ngành chăn nuôi đủ sức cạnh tranh, không chỉ là xuất khẩu mà còn đứng vững trên sân nhà. Tiêu chí tái cơ cấu ngành chăn nuôi là không chạy theo số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng, năng suất, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững./.