Ông Lê Văn Để, Chủ tịch UBND xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường chia sẻ, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì việc nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên cho người dân là tiêu chí khó duy trì nhất. Đây là bài toán chưa có lời giải, bởi sản xuất nông nghiệp tại các địa phương còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và sự bấp bênh của thị trường. Tuy Thượng Trưng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng vấn đề giải quyết việc làm, duy trì mức thu nhập và chuyển dịch cơ cấu sản xuất vẫn cần phải được tính toán cẩn thận và cần sự vào cuộc của tất cả các ngành.
Thực tế từ các xã thực hiện chương trình nông thôn mới cho thấy, không phải địa phương nào cũng tìm được hướng đi phù hợp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là với các xã thuần nông, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 50%. Một phần cũng do nguồn lực đầu tư cho phát triển cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư cho việc chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật mới vào sản xuất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn rất ít, tổng mức đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn.
Theo ông Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, điều băn khoăn nhất ở địa phương hiện nay là phải giữ vững được tiêu chí thu nhập 24 triệu đồng/người/năm trong điều kiện Liên Châu cơ bản vẫn là xã thuần nông. Tiêu chí thu nhập đạt được không phải từ sản xuất nông nghiệp mà do con em trong xã thoát ly đi làm ăn xa mang lại. Nguồn lực này tuy lớn nhưng khó có thể đảm bảo lâu dài.
Là địa phương có hướng phát triển đúng đắn và định hướng phát triển kinh tế bền vững, xã Bồ Lý đã áp dụng chương trình khuyến nông với cách làm “Mỗi thôn một nông sản chủ lực” và trở thành một trong những địa phương có những bứt phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bồ Lý phát triển cây na dai mang lại thu nhập ổn định cho nông dân
Ông Kim Văn Cường, thôn Ngọc Thụ là một trong những người đi đầu trong việc mở rộng diện tích trồng na dai ở xã miền núi này. Hiện tại, ông đang sở hữu 400 gốc na, với giá bán dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thu nhập mỗi năm ít nhất 70 triệu đồng. Từ mô hình sản xuất của ông Cường, các hộ dân tận dụng những thửa ruộng vàn cao khó tưới nước để trồng na. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích trồng na dai trên địa bàn xã là 66,7 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Ngọc Thụ, Trại Mái, Đồng Bụt.
Ông Nguyễn Ngọc Lăng, trưởng thôn Đồng Cà chia sẻ: "Cả thôn có 6 ha trồng cà ghém, bà con thường gieo vào tháng 1 âm lịch và thu hoạch vào tháng 4. Năng suất mỗi sào đạt khoảng 4 tạ, trung bình mỗi vụ, nông dân lãi khoảng 5 triệu đồng/sào.Sau khi thu hoạch xong cà ghém, bà con gieo cấy lúa mùa để tăng thu nhập."
Hiện nay, trên địa bàn xã Bồ Lý có khoảng 60 - 70 con bò sữa, trong đó, có những gia trại nuôi tới 16 bò sữa như ông Trần Văn Hoà, thôn Cầu Trang.“Mỗi năm, một con bò cho từ 5.000 - 7.000 lít sữa. Công ty cổ phần sữa Cô gái Hà Lan trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với từng hộ nông dân với giá 14.800 đồng/lít. Chi phí nuôi bò sữa thấp, chủ yếu là cỏ voi và một ít cám thô. Trừ tất cả vốn đầu tư, mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 40 triệu đồng/con; tổng thu đạt trên 200 triệu/năm”, ông Hòa cho hay.
Năm 2013, Vĩnh Phúc có 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2014, có thêm xã Định Trung, thuộc thành phố Vĩnh Yên và 17 xã nữa sẽ cán đích. Hiện hầu hết các địa phương đã đạt chuẩn đều có động thái tích cực duy trì các tiêu chí của chương trình. Các ngành chức năng cũng cần có sự thanh tra, kiểm tra để tái thẩm định các tiêu chí tại từng địa phương sau khi đã thẩm định và công nhận hoàn thành 19 tiêu chí cho các xã. Có như vậy, các xã mới tích cực hơn trong việc duy trì các tiêu chí sau khi đã hoàn thành chương trình nông thôn mới.