Sau hơn 4 năm triển khai (2011-2014), Chương trình (CT) xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương nỗ lực thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với sự quyết tâm cao trong chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, CT còn nhận được sự đồng tình hưởng ứng và ủng hộ của nhân dân, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
|
Một tuyến đường giao thông ở xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) vừa được bê tông hóa. Ảnh: NGUYỄN HÂN |
Ưu tiên vốn phát triển cơ sở hạ tầng
Để tạo điều kiện cho các xã chủ động nguồn lực XDNTM trong giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 5.9.2011 về việc ban hành kế hoạch thực hiện CT XDNTM. Trong đó, quy định đối với các xã thực hiện XDNTM được sử dụng 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại địa phương để chi thực hiện XDNTM. Tỉnh ưu tiên dành phần lớn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương theo chính sách hỗ trợ của tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành ưu tiên lồng ghép các CT, dự án của ngành để hỗ trợ các xã XDNTM thực hiện các tiêu chí theo quy định. Việc ban hành cơ chế đầu tư đặc thù để nhân dân trực tiếp tham gia thi công các công trình hạ tầng tại địa phương, tổ chức giám sát thực hiện đã giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình, góp phần thực hiện thành công CT XDNTM.
Hơn 4 năm qua, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện CT XDNTM trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.758 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ trên 1.120 tỉ đồng, chiếm 40,6%; vốn lồng ghép từ các CT, dự án 1.395 tỉ đồng, chiếm 50,6%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư trên 209 tỉ đồng, chiếm 7,6%; vốn huy động từ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác 33,1 tỉ đồng, chiếm 1,2%.
Từ các nguồn vốn đầu tư, đến nay, toàn tỉnh đã bê tông được 2.450 km đường giao thông nông thôn, chiếm 70,7% tổng chiều dài các tuyến đường giao thông trục xã và đường trục thôn, xóm; số xã đạt tiêu chí giao thông là 48 xã, tăng 42 xã so với cuối năm 2010. Các địa phương trong tỉnh đã kiên cố hóa được trên 873 km kênh mương, chiếm tỉ lệ 42,3%. Số xã đạt tiêu chí thủy lợi là 53 xã, tăng 43 xã so với cuối năm 2010. Về giáo dục, đến cuối năm 2014, có 42 xã đạt tiêu chí trường học, tăng 30 xã; 57 xã đạt tiêu chí y tế, tăng 19 xã ; 21 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng 20 xã so với cuối năm 2010…
Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh - đánh giá: Qua hơn 4 năm thực hiện, CT XDNTM đã có sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư, được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM ngày càng được nâng cao. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Khắc phục khó khăn để tăng tốc
Theo đánh giá chung, để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có thêm 19 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 26 xã, chiếm 20% số xã ở khu vực nông thôn, các địa phương cần phải dồn sức, tăng tốc hơn nữa mới có thể hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra. Qua kết quả giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh vừa thực hiện, trên thực tế, phần lớn những tiêu chí đạt được của các xã XDNTM hiện chỉ mới tập trung vào các lĩnh vực như: hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội, bưu điện, điện, văn hóa, nhà ở dân cư và hình thức tổ chức sản xuất... Còn những tiêu chí mang tính đột phá, làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân như: thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông nông thôn, thủy lợi… thì số địa phương đạt được chưa cao.
Ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Qua thực hiện CT XDNTM ở Hoài Nhơn, để đạt các tiêu chí theo quy định cần có vốn đầu tư lớn, trong khi vốn nhà nước hỗ trợ còn chưa tương xứng; sức đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn hẹp, nên quá trình thực hiện thiếu đồng bộ. Hiện nay, theo quy định mức đối ứng của xã từ 20-40% tổng giá trị xây dựng công trình là quá cao so với khả năng huy động vốn của địa phương. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân chuyển biến còn chậm. Công tác đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn chất lượng chưa cao; một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại các dự án đầu tư từ Nhà nước, chưa phát huy được sức mạnh của nhân dân cùng chung tay, góp sức XDNTM. Đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên công tác tham mưu, tổng hợp, xây dựng kế hoạch hàng năm còn nhiều hạn chế.
Theo ông Đào Văn Hùng, để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo XDNTM của tỉnh đã yêu cầu các xã sẽ về đích NTM trong năm 2015 tập trung rà soát, đánh giá, điều chỉnh đồ án quy hoạch và đề án XDNTM cho thật phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ của Ban Phát triển thôn là những người trực tiếp xây dựng kế hoạch, tham gia thực hiện, đánh giá, giám sát kết quả XDNTM trên địa bàn. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ 19 xã về đích XDNTM trong năm 2015.
Theo baobinhdinh.com.vn