Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng khẳng định tỉnh sẽ không làm nông thôn mới theo phong trào và thành tích, mà phải căn cứ vào sự hài lòng của người dân.
|
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Chiều 10/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.
Ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, công nghiệp-xây dựng chiếm 58%, dịch vụ 29,4%, nông-lâm nghiệp-thủy sản 12,6%. Thu nhập đầu người của tỉnh tăng bình quân 30,34%, năm nay ước đạt hơn 42 triệu đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, Hà Nam nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, qua đó tạo động lực thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội. Hà Nam thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là gần 23.600 tỷ đồng và 1 tỷ USD.
Nông nghiệp phát triển khá toàn diện với nhiều đề án, mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả. Giá trị sản xuất của lĩnh vực này trong 5 năm qua đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng bình quân 1,57%/năm.
Về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá Hà Nam đã tận dụng được cơ hội phát triển, “lọt” vào các tỉnh hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng phía Bắc.
“Lãnh đạo, cán bộ tỉnh Hà Nam đã gắn kết với doanh nghiệp, lắng nghe và chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp và nhà đầu tư thì mới triển khai nhanh các dự án được. Thay đổi tư duy tập quán, cách làm là việc khó nhưng Hà Nam và một số tỉnh khác đã làm tốt”, Phó Thủ tướng nói.
Với xây dựng nông thôn mới, Hà Nam coi đây là nhiệm vụ đột phá về kinh tế, xã hội. Theo lãnh đạo tỉnh, dự kiến, hết năm nay tỉnh sẽ có 28 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm khoảng 25% tổng số xã của toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt không có xã nào dưới 12 tiêu chí.
Ông Mai Tiến Dũng khẳng định tỉnh sẽ không làm nông thôn mới theo phong trào và thành tích, mà phải căn cứ vào sự hài lòng của người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Hà Nam đã có tiền đề từ trước khi thực hiện phong trào nông thôn mới nên có điều kiện phát triển tốt. Ấn tượng là ở việc cuối năm nay sẽ không có xã nào dưới 12 tiêu chí. Quan trọng hơn nữa là tỉnh bắt đầu có mô hình sản xuất hiệu quả, bước đầu đi vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - là điều kiện để sản xuất bền vững, cải thiện đời sống người dân và giảm nghèo có hiệu quả cao hơn”.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, kinh tế nói chung và tái nông nghiệp nói riêng; tích cực sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.
“Đổi mới đơn vị sự nghiệp công thì ý nghĩa chính không phải là giảm chi tiêu ngân sách mà là nâng cao chất lượng dịch vụ công, để người dân được lợi, bản thân người làm dịch vụ công cũng phải hưởng quyền lợi tương xứng”, Phó Thủ tướng cho biết.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Nam tìm cách nâng cao hơn tính liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Hà Nam gần vùng tiêu thụ là Hà Nội và Hải Phòng, nên tiêu thụ đang là vấn đề thuận lợi. Về lâu dài sản xuất phát triển hơn nữa thì tính liên kết phải cao hơn, cần có chính sách kêu gọi sự liên kết, hình thành tổ đội, hợp tác xã để phục vụ cho chế biến, sản xuất, tiêu thụ thì sản xuất mới bền vững”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam phải quan tâm tới xử lý ô nhiễm môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa làng quê và an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Theo Phó Thủ tướng: “Đời sống người dân có tốt hơn nhưng phải bình an thì mới là nông thôn mới”.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng bày tỏ đồng ý với các kiến nghị của tỉnh về việc bổ sung tỉnh vào quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để phát triển trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn...
Thành Chung
Theo: chinhphu.vn