Cách làm hay từ các xã điểm
Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, nhiều xã điểm đã lựa chọn hướng đi đúng, phù hợp với địa phương mình để triển khai thực hiện xây dựng NTM. Cũng từ những cách làm đó, nhiều mô hình có hiệu quả có thể để các địa phương khác học tập, làm theo. Lấy phát triển trang trại làm đòn bẩy để xây dựng NTM đang được xã Quý Lộc, huyện Yên Định áp dụng và đem lại hiệu quả. Chăn nuôi phát triển vững chắc là nền tảng để Quý Lộc bứt phá đi lên. Từ những mô hình chăn gà thả vườn của một số hộ gia đình ở địa phương, lãnh đạo xã Quý Lộc đã mạnh dạn, chủ động tìm cách làm mới để đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, có bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi khảo sát đánh giá thực tế, xã đã thống nhất tiến hành xây dựng quy hoạch các khu trang trại tập trung và cụ thể cho từng loại trạng trại. Để phát triển trang trại được thuận lợi, xã đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch phát triển kinh tế trang trại tập trung, trong đó ưu tiên việc giao đất, đổi đất canh tác của các hộ dồn thành thửa lớn tạo quỹ đất để làm trang trại ổn định lâu dài để nông dân yên tâm đầu tư. Để phát triển kinh tế trang trại, xã đã xây dựng cơ chế chính sách kích cầu hỗ trợ đầu tư phát triển, các nội dung hỗ trợ đều được công khai dân chủ để nhân dân bàn bạc thảo luận. Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, hỗ trợ xây dựng điện - đường khu quy hoạch trang trại. Xã còn tạo môi trường cho các hộ vay vốn để mua giống và đầu tư xây dựng trang trại, hỗ trợ xây dựng hầm biôga, hệ thống tiêu nước thải và xử lý môi trường... Đặc biệt, để người dân tích cực tham gia vào chương trình, xã đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ từ 3 đến 10 triệu đồng tùy theo quy mô từng trang trại…
Để việc phát triển trang trại thực sự có hiệu quả, xã Quý Lộc đã quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật thú y, phục vụ chăn nuôi phát triển. Xã đã liên kết với các đơn vị liên quan mở lớp trung cấp chăn nuôi thú y tại xã cho 50 người, chủ động tiếp nhận 1 cán bộ đại học, 3 cán bộ cao đẳng thú y được đào tạo là người địa phương về xã công tác. Ngoài ra, các hộ tham gia phát triển trang trại đều được đào tạo 3 tháng về kỹ thuật thú y, kiến thức quản lý trang trại và cấp chứng chỉ. Xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm với các chủ trang trại chăn nuôi lớn, điển hình trong và ngoài tỉnh cho các chủ trang trại của xã để họ học cách làm ăn, nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Cấp ủy, chính quyền xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi cung ứng giống con nuôi, tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đến nay Quý Lộc là xã có nhiều trang trại tập trung lớn của tỉnh. Kinh phí đầu tư cho phát triển trang trại lên hàng chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các trang trại đạt từ 80 đến 110 triệu đồng/năm. Trong đó nhiều trang trại chăn nuôi lợn ngoại, gà công nghiệp có thu nhập cao nhất đạt 160 triệu đến 200 triệu đồng/năm... Góp phần đưa giá trị sản xuất trong chăn nuôi chiếm 55,6% trong nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của xã gần 22 triệu đồng/năm. Hiện tại Quý Lộc đã đạt 16/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại sắp hoàn thành và là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phát triển kinh tế và kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng NTM.
Cũng là đơn vị được tỉnh Thanh Hóa chọn làm điểm, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã đặt nội dung tuyên truyền, vận động lên hàng đầu trong việc triển khai xây dựng NTM. Xác định rõ: Khi nhân dân nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng NTM, coi xây dựng NTM là việc của chính mình, gia đình mình và mình trực tiếp hưởng lợi thì người dân mới chủ động, thực sự vào cuộc, nên đảng bộ xã đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa, mục đích của chủ trương xây dựng NTM. Hơn nữa, trong quá trình triển khai xây dựng NTM ở Thiệu Trung, yếu tố dân chủ được đặt lên hàng đầu và mọi việc được thực hiện theo đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Bên cạnh đó, cán bộ phải luôn có lập trường, quan điểm cụ thể, rõ ràng, sát với tình hình thực tế, biết cụ thể các nội dung công việc. Quan trong hơn, đội ngũ cán bộ của Thiệu Trung đã biết lựa chọn việc nào cần làm trước, việc nào làm sau để tạo thuận lợi từ cơ sở; công khai minh bạch và để nhân dân đảm nhiệm công tác giám sát trực tiếp các nội dung công việc và các công trình đầu tư xây dựng... Với cách làm đó, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Thiệu Trung mới đạt 6/19 tiêu chí, chỉ sau hơn 2 năm toàn xã đã có thêm 9 tiêu chí được hoàn thành, đưa tổng số tiêu chí đã đạt được đến nay là 15/19 tiêu chí và các tiêu chí hiện sắp cán đích hoàn thành.
Ở các xã điểm khác cũng đã lựa chọn, áp dụng những mô hình phù hợp với địa phương nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất trong xây dựng NTM, có thể kể đến như: đổi điền dồn thửa, quy hoạch lại cơ cấu cây trồng ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương), huy động sức dân xây dựng NTM ở xã Nga An (Nga Sơn), Xuân Giang (Thọ Xuân), đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), Minh Dân (Triệu Sơn), Thành Long (Thạch Thành)... Thiết thực hơn là những mô hình từ các xã điểm đã và đang được các địa phương trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập để áp dụng trong xây dựng NTM.
Nỗ lực về đích
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, Thanh Hóa có 2 xã là Quý Lộc và Thiệu Trung sẽ hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Hiện tại, 2 đơn vị này đang nỗ lực hết mình để sớm về đích.
Với Thiệu Trung, xã đang nỗ lực tập trung chỉ đạo thi công các hạng mục để hoàn thành 4 tiêu chí còn lại. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã ngày đêm bám cơ sở, rà soát kỹ những việc cần làm trong khoảng thời gian ngắn còn lại của năm 2012. Động viên nhân dân làm thủy lợi mùa khô và hoàn thành nốt 2,5km kênh mương nội đồng cho tiêu chí thủy lợi; xây dựng sân khấu ngoài trời tại trung tâm văn hóa thể thao xã, nâng cấp mặt sân bóng, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các nhà văn hóa thôn, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, tường rào, pa-nô, áp phích cho tiêu chí văn hóa; phát động nhân dân tiếp tục đào hố rác xử lý rác thải trong hộ gia đình, thành lập tổ thu gom rác thải tập trung tại xã để xử lý...
Ông Lê Trung Thủy, Chủ tịch UBND xã Quý Lộc chia sẻ: “Với sự quan tâm của tỉnh và huyện, toàn xã đang chạy nước rút để quyết tâm hoàn thành nốt các tiêu chí cơ sở vật chất trường học, cơ cấu lao động và hộ nghèo để cán đích chương trình NTM. Nhờ có chương trình xây dựng NTM bộ mặt cũng như đời sống của người dân nông thôn đang ngày càng khởi sắc bởi đây là chương trình vì dân và cho chính người dân...”.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương vẫn chưa đủ. Khó khăn nhất hiện nay theo phản ánh từ các địa phương đó là nguồn kinh phí. Thực tế cho thấy tại các địa phương đã không trông chờ, ỷ lại mà đã vận dụng nhiều hình thức để huy động kinh phí cho xây dựng NTM từ huy động ngân sách xã, huy động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, lồng ghép các chương trình, dự án và cả huy động sự đóng góp của nhân dân, cùng với ngân sách từ Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ. Nhưng với số lượng các công việc trong xây dựng NTM quá nhiều, nguồn kinh phí còn hạn chế, trong khi đó các địa phương đang gấp rút hoàn thành những phần việc còn lại. Vì vậy rất cần được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, huyện, tạo mọi điều kiện và huy động các nguồn lực, các dự án đầu tư khác để Chương trình Xây dựng NTM ở các xã điểm được sớm hoàn thành.
Bộ mặt NTM đang dần hiện diện tại nhiều làng quê trong tỉnh, hy vọng rằng với sự nỗ lực của người dân và chính quyền các xã cộng với sự quan tâm đúng mức của cấp trên mục tiêu xây dựng chương trình NTM ở Thanh Hóa sẽ sớm thành hiện thực. Rồi đây, người dân trong và ngoài tỉnh khi nhắc đến Quý Lộc sẽ không chỉ biết đến phong trào chăn nuôi giỏi, hay nhắc đến Thiệu Trung với làng nghề đúc đồng truyền thống, mà còn biết đến các xã này với thành tích là đơn vị dẫn đầu trong xây dựng NTM./.
http://snnptnt.thanhhoa.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn