PV: Là địa phương nghèo, khó khăn bậc nhất của cả nước, nhưng tỉnh Hà Giang nói chung, TP Hà Giang nói riêng, đã có những địa phương hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Vậy, đồng chí có thể giới thiệu “bí quyết” của TP Hà Giang là gì?
Bí thư Thành ủy Trần Mạnh Lợi: Thành phố có ba đơn vị hành chính cấp xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Với phương châm tập trung các giải pháp lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nâng cao mức thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu rõ lợi ích của chương trình xây dựng NTM; việc xây dựng NTM là của dân, người dân là chủ thể trong các khâu và định hướng cho người dân những việc dễ làm trước, khó làm sau. Thành phố đã cụ thể hóa thực hiện 19 chỉ tiêu xây dựng NTM thông qua việc phân định rõ trách nhiệm "chín việc của hộ gia đình, bảy việc của thôn, tám việc của xã", đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Khi nhân dân thật sự làm chủ, được bàn bạc, quyết định những vấn đề của thôn, của xã thì sẽ khắc phục được tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, đồng thời tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện xây dựng NTM.
PV: Tỉnh Hà Giang từng quyết tâm xây dựng nông thôn mới theo phương châm “việc dễ làm trước, việc không cần nguồn lực làm trước”, vậy những “việc khó” trong xây dựng nông thôn mới ở TP Hà Giang là gì, và TP Hà Giang đã vượt qua như thế nào ?
Bí thư Thành ủy Trần Mạnh Lợi: Là TP trẻ, vùng cao, miền núi, xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp do đó lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện xây dựng NTM nói riêng cũng gặp rất nhiều khó khăn - Nhất là nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa để hoàn thiện các tiêu chí đòi hỏi lượng kinh phí lớn. Thành phố đã tập trung huy động tổng hợp, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng NTM; tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài địa bàn, phát huy tốt nội lực trong nhân dân.
Đặc biệt, Thành phố đã phát động phong trào "Chung tay xây dựng NTM" để huy động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và các tầng lớp nhân dân của thành phố cộng đồng trách nhiệm tham gia xây dựng NTM, đã nhận được sự động viên, cổ vũ và hưởng ứng tham gia một cách tích cực và trách nhiệm, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
PV: Chúng ta đã nói đến khó khăn về kinh phí xây dựng NTM, và thành phố đã huy động các doanh nghiệp chung tay theo nghĩa họ ứng tiền ra làm trước, thành phố sẽ hoàn trả sau. Liệu cách làm đó còn hiệu quả hay không, nhất là khi chúng ta chuyển từ xây dựng điểm sang đại trà? Vậy theo đồng chí, có cách nào để khắc phục hạn chế này?
Bí thư Thành ủy Trần Mạnh Lợi: Phải khẳng định rằng, đây là cách làm hiệu quả vì trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp nhưng nhu cầu đầu tư cho phát triển thành phố nói chung và xây dựng NTM nói riêng là rất lớn. Từ đó thành phố đã động viên, khuyến khích các doanh nghiệp cùng chung tay; cộng đồng trách nhiệm và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Tuy nhiên, thành phố chỉ có ba xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và việc triển khai giải pháp này thành phố cũng đã cân đối nguồn lực trong những năm tiếp theo và khả năng bố trí kinh phí thanh toán cho các hạng mục công trình đầu tư bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước.
PV: Một trong những cái khó khác của xây dựng NTM là làm tăng thu nhập cho người dân địa phương. Thưa đồng chí, tại hai xã ở thành phố Hà Giang vừa đạt chuẩn NTM, số hộ dân thực sự tăng thu nhập đạt khoảng bao nhiêu phần trăm? Thành phố đã có kế hoạch gì cho số còn lại?
Bí thư Thành ủy Trần Mạnh Lợi: Trong những năm qua, thành phố đã tập trung công tác lãnh chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân khu vực ba xã ngoại thành nói chung và hai xã Phương Độ, Phương Thiện nói riêng. Kết quả, thu nhập của người dân đã nâng cao rõ rệt. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, đến năm 2014, đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ khá, giàu từ 9,8% năm 2010, đến nay tăng trên 38,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,5% năm 2010, đến nay còn 1,4%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,7%.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và các hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng ở khu vực nông thôn, Thành phố tập trung lãnh đạo các xã ngoại thành đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với phát triển vành đai thực phẩm an toàn, chất lượng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.
Ngoài ra, thành phố đang tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất cho nông dân và triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao thông qua việc thành lập các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, nhóm sở thích; đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ cho vay vốn; đồng thời kết nối với các nhà hàng, tiểu thương để bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp do các hộ gia đình nông dân sản xuất ra.
PV: Hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM có thể hiểu là hoàn thành bước đầu tiên trong nỗ lực làm thay đổi bộ mặt nông thôn cả về chất lẫn về lượng. Là người đứng đầu ở cơ sở, theo đồng chí, trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì để duy trì khí thế xây dựng NTM và tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực của người nông dân?
Bí thư Thành ủy Trần Mạnh Lợi: Chúng ta xác định xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, có lộ trình cụ thể, tiến hành tuần tự bảo đảm triển khai một cách đồng bộ, vững chắc, thành phố đã phân nhóm tiêu chí để chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị từ thành phố đến các xã, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và huy động các nguồn lực thực hiện xây dựng NTM, với phương châm: “Nguồn ngân sách Nhà nước chỉ là hỗ trợ, nguồn huy động trong dân là chủ yếu, nguồn từ các chương trình lồng ghép là cần thiết” - Không xem Chương trình NTM là một dự án; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và tiết kiệm các nguồn lực trong chương trình xây dựng NTM. Chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các xã triển khai Chương trình bảo đảm đồng bộ, có hiệu quả. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sức lan tỏa rộng hơn. Phát huy sức mạnh nội lực của từng thôn bản, thực hiện toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “vận động đi đôi với hành động”; phối hợp tổ chức phát động các phong trào thi đua thiết thực ở thôn bản, cụm dân cư, nhất là kịp thời phát hiện, biểu dương, khuyến khích và nhân rộng các mô hình, việc làm tốt như hiến đất, hiến công, hiến tài sản xây dựng NTM; xây dựng nhà sạch vườn đẹp, phát triển sản xuất, kinh tế...
Đối với các hộ dân, cần xác định bản thân người nông dân là chủ thể, người hưởng lợi trực tiếp trong chương trình xây dựng NTM, do đó bản thân không những tích cực tham gia mà còn vận động người thân và gia đình tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM; chủ động thực hiện "chín việc của hộ gia đình, bảy việc của thôn"; chủ động tham gia việc sắp xếp tổ chức lại sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong xây dựng NTM. Thực hiện tốt kế hoạch XDNTM của từng hộ gia đình theo đúng cam kết với thôn, xã và tích cực tham gia, cộng đồng trách nhiệm với thôn thực hiện xây dựng NTM.
PV: Tổ chức Đảng, chính quyền sẽ làm gì để hỗ trợ người dân trong tiến trình đó, thưa đồng chí?
Bí thư Thành ủy Trần Mạnh Lợi: Tập trung lãnh chỉ đạo, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí NTM. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên tích cực hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng NTM; đặc biệt chú trọng phát huy nội lực trong nhân dân. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là chi bộ thôn, để nơi đây thật sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện ở địa bàn nông thôn. Tạo điều kiện để tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả; động viện nhân dân tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế thông qua sự trợ giúp tích cực của các cơ quan chức năng thành phố.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Theo nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn