Tính đến cuối năm 2014, các xã trên địa bàn huyện Yên Thủy thực hiện đạt bình quân 10,92 tiêu chí nông thôn mới, mỗi xã tăng bình quân 3,08 tiêu chí so với năm 2013, hoàn thành mục tiêu đề ra. Huyện phấn đấu năm 2015 sẽ có 2 xã là Ngọc Lương và Yên Lạc phấn đấu hoàn thành xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận trong vận động nhân dân phát triển kinh tế, hiến đất, đóng góp tiền và ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng.
Một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, do đó, vận động nhân dân phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm được Ban Dân vận Huyện uỷ Yên Thủy quan tâm thực hiện. Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng mẫu lớn của huyện Yên Thủy, đồng chí Bùi Thị Danh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy phấn khởi cho biết: Trong năm 2014, huyện Yên Thủy đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, được người dân đồng tình ủng hộ và nhân diện rộng như mô hình: cánh đồng lớn về trồng bí xanh đảm bảo ATVSTP tại xã Hữu Lợi, Đoàn Kết, Bảo Hiệu, Phú Lai (với tổng diện tích 25ha), trồng bưởi Diễn (xã Ngọc Lương), trồng bí đỏ và mướp đắng lấy hạt (xã Yên Lạc), trồng khoai sọ (tại Yên Trị, Phú Lai), rau giống Hàn Quốc (xã Yên Lạc, Ngọc Lương)….và đặc biệt là một số mô hình mới như trồng mây nếp (xã Lạc Sỹ), trồng dổi (xã Lạc Thịnh) đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững.
Ngoài ra, Ban Dân vận Huyện ủy cũng đã phối hợp với các hội, đoàn thể, xã, thị trấn đưa công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu; các hội, đoàn thể đã hình thành được các phong trào thiết thực xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như Đoàn thanh niên với 13 km đường thắp sáng đường quê; Hội phụ nữ với phong trào “5 không, 3 sạch, 4 xanh” cải tạo cảnh quan môi trường; Liên đoàn lao động huyện vận động công đoàn viên chức đóp góp được trên 200 triệu xây dựng nhà văn hóa cho các xóm khó khăn.
Một thành công lớn khác của công tác dân vận trong việc xây dựng nông thôn mới ở Yên Thủy chính là vận động nhân dân tham gia dồn điền đổi thửa. Bắt đầu từ năm 2013 với thí điểm dồn điền - đổi thửa thành công đất nông nghiệp tại xóm Hổ 2 (xã Ngọc Lương), Ao Hay (xã Yên Trị) với tổng diện tích 91 ha. Năm 2014, nhân rộng dồn điền - đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn 14 xóm của 5 xã: Ngọc Lương, Yên Trị, Đoàn Kết, Lạc Lương, Yên Lạc với tổng diện tích thực hiện là 500 ha. Trao đổi về vai trò của công tác dân vận trong dồn điền - đổi thửa, đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương khẳng định: Dồn điền - đổi thửa là một chủ trương mới nên người dân có rất nhiều băn khoăn, thắc mắc, trăn trở, nhất là về lợi ích sau khi dồn điền sẽ được xử lý như thế nào. Kinh nghiệm triển khai tại xã Ngọc Lương cho thấy cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thực sự hiểu, thông suốt mới tích cực tham gia. Riêng với những hộ gia đình còn vướng mắc thì chính quyền phải đến tận nhà vận động, thông suốt để bà con hiểu. Việc dồn điền - đổi thửa cũng đã góp phần thực hiện được đường giao thông và thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho sản xuất. Nếu không làm dân vận tốt sẽ không thể thực hiện dồn điền, đổi thửa được.
Theo số liệu thống kê, riêng năm 2014, nhân dân huyện đã đóng góp được 4 tỷ đồng (chiếm 37% tổng vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) để làm được 5,15 km đường bê tông, 5,6 km đường cấp phối, 6,65 km kênh mương và 220m
2 sân bê tông. Kết quả này đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Thủy.
Dương Liễu
Theo baohoabinh.com.vn