Đến nay, Hà Tĩnh có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại 2 (là thành phố Hà Tĩnh), 2 đô thị loại IV (là thị xã Kỳ Anh và Hồng Lĩnh) và 13 đô thị loại V. Một số đô thị như thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh những năm gần đây thu hút được nguồn lực đầu tư lớn, góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị, tạo động lực thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Tuy nhiên, nhìn chung tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh còn thấp so với cả nước. Hầu hết các đô thị vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Việc tổ chức thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị còn chậm; nguồn vốn đầu tư hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị chưa xứng tầm với quy mô đô thị, chưa đảm bảo theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH. Do chưa có tiêu chí về đô thị văn minh nên các đô thị chưa có sở để xây dựng triển khai thực hiện.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân tồn tại, hạn chế đó là do hầu hết các đô thị chưa có nhiều lợi thế về phát triển KT-XH nên việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực còn hạn chế; ngân sách Nhà nước hạn hẹp, vì vậy không thể đủ vốn để đầu tư các dự án phát triển; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cắt giảm đầu tư công.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan do các cơ chế hỗ trợ của tỉnh; thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa chưa nhiều; cấp ủy chính quyền một số nơi chưa quyết liệt; chưa thường xuyên bám sát các mục tiêu, lộ trình nâng loại của các đô thị để có sự chỉ đạo kịp thời...
Về thực hiện chương tình giảm nghèo bền vững, sau 3 năm thực hiện (từ 2016-2018), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% xuống còn 6,92%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 8,4% xuống còn 6,57%. Trong 3 năm, toàn tỉnh có 27.083 hộ thoát nghèo, 1.762 hộ tái nghèo, 10,353 hộ nghèo phát sinh mới.
Mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và đạt kết quả nhất định, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Tĩnh còn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là tại huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Hương Khê (trên 10,48%); chưa duy trì được tính bền vững trong công tác giảm nghèo; chính sách lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình khác thiếu sự đồng bộ.
Tại hội nghị, đại biểu đã phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong xây dựng đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo bền vững và kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện thời gian tới.
Kết luận cuộc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm cao, trong đó, đã nhìn nhận được trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng 3 nội dung: Giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh, chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với nhau, và trong tổ chức thực hiện cần phải được lồng ghép cả 3 nội dung.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Cốt lõi xây dựng NTM có nhiều nội dung, nhưng hết sức tập trung cho giảm nghèo bền vững. Xây dựng NTM phải gắn với đô thị văn minh. Đây là nội dung rất quan trọng từ gắn kết không gian đô thị, gắn kết sản xuất, gắn kết con người; gắn kết công nghiệp, nông nghiệp với chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai rà soát, phúc tra hộ nghèo đảm bảo khách quan, trung thực; gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền và sự lãnh đạo của Đảng; không vì thành tích mà ảnh hưởng đến người nghèo. Sau rà soát sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp đảm bảo giúp thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có giải pháp tốt để thoát nghèo, giảm nghèo bền vững; có phân công các tổ chức, cá nhân phụ trách, giúp đỡ những địa chỉ giảm nghèo cụ thể.
Đối với xây dựng đô thị văn minh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy chính quyền tập trung vào cuộc quyết liệt; căn cứ quy định, thông tư của Chính phủ, bộ ngành để triển khai thực hiện; đẩy mạnh huy động xã hội hóa nguồn lực xây dựng đô thị…
Theo: Thanh Hoài - Anh Tuấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn