Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: NLĐ
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2018 được xem là năm “bản lề” trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2020. Do vậy, đây là thời điểm phù hợp để toàn ngành đánh giá lại các nhiệm vụ thời gian qua đã đúng hướng hay chưa; có sự tập trung các nhiệm vụ giải pháp hay không; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu đến đâu, vướng mắc ở điểm nào? Đặc biệt, đây cũng là dịp để rà soát công việc các tháng cuối năm và chuẩn bị xây dựng kế hoạch 2019…
2018 – xứng đáng là năm “bản lề” của giai đoạn 2016 - 2020
Theo đánh giá, tình hình KT-XH năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao (trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm đã đề ra.
Về kiểm soát lạm phát, liên tiếp trong 3 năm 2016 - 2018, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%; giữ vững được sự ổn định của tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước; thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP; xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng và tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vượt mốc kỷ lục của năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%;
Đặc biệt, tốc độ và tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, năm 2018 ước đạt khoảng 6,7% và dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn. Chỉ số này khẳng định được vai trò là năm bản lề của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020.
Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và phía cầu, trong đó, đáng chú ý là sự phát triển toàn diện của tất cả các ngành, lĩnh vực, với nhiều nhân tố mới cùng vai trò nòng cốt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực; đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết những tồn tại cố hữu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiềm lực quốc phòng - an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Tranh thủ thuận lợi, có kế hoạch phát triển KT-XH hợp lý
Đây là lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình KT-XH để các địa phương thảo luận, góp ý hoàn thiện báo cáo; giải trình, đề xuất các ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển năm tới cũng như các vấn đề lớn của ngành. Trên cơ sở thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị đơn vị liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp vào báo cáo chung.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng phân tích, dự báo tình hình phát triển 2019. Theo đó, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố... Tuy nhiên, cũng cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức; trong đó, lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn...
Các giải pháp được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện gồm: củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy…
Tình hình KT -XH Hà Tĩnh 9 tháng năm 2018 tương đối khả quan, tiếp đà tăng trưởng cao, nhiều chỉ tiêu đạt cao so với kế hoạch. Dự ước một số chỉ tiêu quan trọng trong năm 2018 đạt khá như tổng thu ngân sách 11.850 tỷ đồng, tăng 33% so với 2017; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 19,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 86,67% so với 2017; tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với 2017... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn