Từ xây dựng ý thức
Ông Lương Hữu Tiến - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, chúng tôi đã trăn trở rất nhiều bởi Cẩm Sơn là xã nghèo, mức sống của bà con còn rất thấp, nhưng một số tiêu chí trong chương trình lại đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Do vậy, đối với chương trình này, chúng tôi phải thận trọng, cái nào dễ làm trước, khó làm sau”.
Nhân dân xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) làm đường bê tông nông thôn. Ảnh: Trí Thức |
Theo ông Tiến, để xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, cấp ủy và chính quyền xã Cẩm Sơn đã tuyên truyền dưới nhiều hình thức: họp tổ, nhóm, gặp gỡ các thành viên trong từng hộ, lồng ghép trong các cuộc hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội. Qua đó, mỗi người dân được nâng cao nhận thức về NTM và cam kết hăng hái chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia.
Để nâng cao trình độ kỹ thuật cho người dân trong thực hiện các mô hình sản xuất, xã Cẩm Sơn đã phối hợp Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) và Phòng LĐ-TB&XH Cẩm Xuyên mở lớp đào tạo, nâng cao tay nghề chăn nuôi cho 35 học viên; cử 1 cán bộ chuyên trách xã đi đào tạo tại tỉnh và 8 cán bộ khác tham dự lớp tập huấn do huyện Cẩm Xuyên mở. Cùng với đó, tiếp tục tập huấn cho bí thư, xóm trưởng và cán bộ đoàn thể thôn xóm.
Đến hạ tầng cơ sở
Cẩm Sơn xác định: đối với một xã nghèo, để xây dựng hạ tầng phải có sự kết tinh sức mạnh nội lực, sức mạnh đoàn kết của “ý Đảng, lòng dân”. Những nét nổi bật đáng được ghi nhận ở đây là công tác chỉ đạo điều hành từ cấp ủy, chính quyền xã đến trưởng thôn rất quyết liệt và cụ thể, theo hướng mở rộng dân chủ để lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân. Cán bộ gương mẫu trong hiến đất, giải tỏa, đóng góp công sức để dân noi theo.
Phong trào hiến đất, góp công làm đường giao thông và hội quán được khơi dậy sôi nổi. Hiện tại, Cẩm Sơn đã giải tỏa hành lang giao thông được 44 tuyến đường, trong đó, đường trục xã 1 tuyến dài 3,5 km, đường trục thôn 9 tuyến dài 12 km, đường ngõ xóm 34 tuyến dài 19 km. Hầu hết các xóm đều rất tích cực, nhiều cá nhân tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất và phá bỏ những hàng rào, cánh cổng có giá trị hàng chục triệu đồng. Cùng với việc đổ bê tông hoàn chỉnh các con đường mới trong thôn xóm, Cẩm Sơn huy động hơn 8.760 ngày công làm giao thông nội đồng: đào đắp, nâng cấp nền, mặt đường; sửa chữa 13 cầu cống; nạo vét 26 km kênh mương. Cẩm Sơn cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 hội quán tại thôn 8 và thôn 3 với giá trị hàng trăm triệu đồng.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Lương Hữu Tiến cho biết: “Nông thôn mới không chỉ làm thay đổi bộ mặt quê hương mà từ những việc làm này đã tác động đến tư duy làm ăn của mỗi gia đình”.
Một thực tế hiện hữu, sau thời gian xây dựng NTM, Hội Nông dân Cẩm Sơn đã có 5 mô hình chăn nuôi tổng hợp, 2 mô mình chăn nuôi của hội phụ nữ, 2 mô hình chăn nuôi tổng hợp của hội cựu chiến binh. Riêng đoàn thanh niên đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi 100 con lợn thương phẩm. Các mô hình đều có xu hướng quy mô hóa, khép kín các mạng lưới dịch vụ như nguồn thức ăn, phân bón, chăm sóc dịch bệnh. Không ít chủ hộ đã bỏ lối làm ăn manh mún, mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, vay vốn để phát triển sản xuất. Tính đến nay, có 115 hộ vay với số tiền hơn 6,35 tỷ đồng.
Năm 2014, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền cùng sự đồng thuận của nhân dân, Cẩm Sơn đã xây dựng được 1 cánh đồng mẫu lớn (20 ha), 6 cánh đồng mẫu nhỏ (1,5 ha), 1 cánh đồng rau - củ - quả (1 ha). Tất cả những cánh đồng mẫu này đều được tuyển lựa kỹ giống chất lượng cao, đảm bảo năng suất. Mặt khác, địa phương tiếp tục chỉ đạo và vận động các hộ xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại có quy mô lớn.
Là một xã nghèo, con đường về đích 19 tiêu chí NTM còn nhiều thử thách, nhưng những gì Cẩm Sơn làm được là sự nỗ lực vượt bậc, tạo nên luồng gió mới khơi dậy sức dân.
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn