Một đoạn đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh (ảnh chụp ngày 21/9/2016)
Có đoạn ngập úng nhiều, kéo dài như trên trục đường Trần Phú đoạn từ trạm xăng ra gần ngã tư Hương Khê, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Nguyễn Du… Thậm chí, có những đoạn đường trũng thường chịu ngập úng trường kỳ, dù trời đã hết mưa, nước vẫn đọng hai bên đường. Nước ngập úng thu hẹp phần đường gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, nhất là người điều khiển xe máy, xe thô sơ. Phần đường cao không ngập nước thường phải nhường cho các loại xe cơ giới, các phương tiện còn lại bất đắc dĩ phải “lội nước”. Nhiều phương tiện tham gia giao thông bị chết máy, tranh giành phần đường của nhau rất nguy hiểm. Điều khiển xe máy nhiều lần đi qua các đoạn đường ngập nước này giữa trời mưa xối xả, không chỉ chứng kiến mà bản thân tôi còn là nạn nhân bị xe khác đi qua tát nước lên người... Ngoài ý thức, văn hoá của người tham gia giao thông còn kém thì vấn đề cần trao đổi ở đây đó là mặc dầu ở các tuyến đường đều có mương thoát, hệ thống tiêu nước nhưng mưa lớn, lượng nước đổ về dồn dập trong khi các mương tiêu hẹp khiến nước thoát không kịp. Cùng với đó, những tác động thiếu ý thức của con người như hầu hết các hộ dân đổ bê tông giữa lề đường và vỉa hè trước lối vào nhà mình mà không có ống thoát nước hoặc có đoạn đất đá, bùn, rác rưởi sinh hoạt bám lâu ngày làm chắn mất dòng chảy, có nơi do quá trình tu sửa nâng cấp đường khiến cống thoát nước lại cao hơn mặt đường… dẫn đến việc tiêu thoát khó.
Để hạn chế được tình trạng trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần rà soát lại các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng này để có phương án duy tu, tiêu thoát nước, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương huy động nhân dân thường xuyên làm vệ sinh đô thị, khơi thông hệ thống mương, cống tiêu nước, nên giao cho các hộ dân, tổ liên gia có trách nhiệm bảo vệ hệ thống tiêu thoát nước tại cụm dân cư của mình.
Huyền Phương
http://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn