Tân Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diên là một phụ nữ dễ mến, dễ gần. Tuy mới vừa ở nơi quay số mở thưởng khách hàng về, chị vẫn tạm xếp công việc lại để tiếp chuyện chúng tôi. Chị tâm sự: Mặc dù biết rõ năm nay vẫn là một năm tình hình kinh tế còn khó khăn, đầu năm lãi suất chưa thay đổi, khó cho vay, chúng tôi vẫn quyết tâm đặt mục tiêu trên tăng trưởng tín dụng đạt 16%. Vài tháng gần đây, sau khi áp dụng trần lãi suất cho vay mới, cánh cửa đầu tư tín dụng của Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh đang dần mở rộng. Dư nợ toàn hệ thống đến thời điểm này (đầu tháng 06/2012) đã lên tới gần 6.000 tỷ đồng, tăng so đầu năm 330 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng đạt từ 5,8% - 6%. Điều đáng mừng là dư nợ chủ yếu phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên 90%. Nguồn vốn huy động của dân cư trên địa bàn hiện lên tới 7.100 tỷ đồng, tăng so với đầu năm khoảng 760 tỷ đồng (đạt tốc độ tăng trưởng 13%). Quá trình cho vay, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát lộ trình mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh và của các địa phương, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách cho vay để đầu tư nguồn vốn đúng hướng. Đặc biệt, xem việc cho vay các mô hình điểm trong xây dựng NTM là cơ hội để tìm kiếm, lựa chọn những dự án SXKD có hiệu quả nhằm phát triển nguồn vốn một cách an toàn. Được sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng NN&PTNT đã chỉ đạo các Ngân hàng NN&PTNT loại III trực tiếp khảo sát, đánh giá và xem xét việc cho vay đối với 111 HTX trong tỉnh. Đây là những khách hàng đóng vai trò cầu nối quan trọng về hậu cần cho các hộ nông dân SXKD trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong cả tiến trình xây dựng NTM. Đến cuối tháng 4/2012 doanh số cho vay của hệ thống ngân hàng NN&PTNT toàn tỉnh cho các xã điểm xây dựng NTM đạt trên 267 tỷ đồng; dư nợ của 48 xã xây dựng NTM đạt trên 900 tỷ đồng với trên 16 ngàn khách hàng có dư nợ. Bên cạnh đó, Ngân hàng NN&PTNT nhận đỡ đầu xã Thuần Thiện (Can Lộc) xây dựng NTM năm 2012. Theo kế hoạch, sẽ tài trợ cho xã xây dựng một trạm y tế với số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Ngoài ra Ngân hàng đã tiến hành khảo sát để có chính sách đầu tư phát triển tín dụng cho xã Thuần Thiện và hỗ trợ 500 triệu đồng vào việc xây dựng một trung tâm y tế cho người nghèo ở vùng Kẻ Gỗ. Cũng theo Giám đốc Nguyễn Thị Diên, việc nhà nước chủ trương giảm dần lãi suất cho vay là cơ hội lớn để khách hàng tiếp cận được nguồn vốn, đầu tư hiệu quả cho SXKD vốn đang bị ngưng trệ. Ngân hàng tận dụng thời cơ bằng nhiều biện pháp tăng nợ, như ưu tiên nguồn vốn cho khu vưc tam nông, xây dựng NTM; hạ lãi suất một cách hợp lý trong điều kiện đang cho vay số nguồn cũ (400 tỷ đồng còn lại/ 700 tỷ đồng huy động theo lãi suất cũ).Đây là bước đi thích hợp để vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, các hộ SXKD vừa tháo gỡ cho tình hình tài chính của đơn vị. Về phần nội bộ, Ngân hàng chủ trương áp dụng cơ chế khoán trong tăng trưởng dư nợ, động viên, khen thưởng thích đáng những cán bộ tín dụng trực tiếp tích cực tìm kiếm những khách hàng có nhu cầu cần vay vốn, đạt kết quả cao, tỷ lệ nợ xấu thấp; quay số mở thưởng mỗi năm hai lần cũng là một hình thức được khách hàng rất ưa thích, bởi chỉ số hấp dẫn cao do cơ hội trúng thưởng lớn. Cách làm này vừa tri ân khách hàng cũ vừa lôi cuốn được nhiều khách hàng mới góp phần huy động vốn trong điều kiện ngân hàng áp dụng trần lãi suất mới. Từ kết quả đáng mừng, những kinh nghiệm rút ra trong những ngày đầu thực hiện lãi suất cho vay mới, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong huy động vốn và đầu tư tín dụng để phục vụ đắc lực, hiệu quả cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM. Diễm Hằng |