Qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy, đợt rét đậm, rét hại từ ngày 23 -26/1 đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi. Tại Hương Khê, có 50 ha diện tích lúa gieo thẳng ở các xã Phương Mỹ, Hà Linh, Hương Lâm, Hương Thủy… bị ngập úng cục bộ, tiêu thoát nước không kịp, khả năng hư hỏng phải gieo lại.
Tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, diện tích mạ che phủ ni lông đúng quy trình kỹ thuật không bị ảng hưởng do rét. Một số diện tích mạ che phủ ni lông, luyện mạ không đúng quy trình kỹ thuật có hiện tượng héo đọt nhưng rễ vẫn còn trắng, nếu thời tiết thuận lợi sẽ phục hồi, phát triển được.
Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua cũng đã làm cho 64 con trâu, bò bị chết, trong đó huyện Kỳ Anh 23 con, Hương Khê 32 con. Riêng huyện Cẩm Xuyên, một số hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại khoảng 1,5 tấn.
Tập quán chăn thả rông gia súc, không được giữ ấm là một trong những nguyên nhân làm cho trâu bò bị chết rét. |
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu các địa phương rà soát lại diện tích lúa bị ảnh hưởng trong đợt rét vừa qua để bổ sung kịp thời, đảm bảo thời vụ. Đối với lúa, nơi nào thiệt hại trên 50% phải gieo lại, thiệt hại trên 20% xen dắm lại (giống ngắn ngày); chủ động tiêu thoát nước để khi thời tiết ấm tiến hành gieo trỉa, phấn đấu kết thúc trước 15/2.
Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị cung ứng chủ động chuẩn bị các loại giống đảm bảo chất lượng để phục vụ bà con nông dân.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cũng yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị các loại vật tư cần thiết để triển khai sản xuất các loại cây trồng cạn, như: lạc, ngô, koai và các loại rau mùa vụ xuân khi thời tiết thuận lợi; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con trong việc vệ sinh chuồng trại, dự trữ thức ăn, giữ ấm, tiêm phòng cho đàn gia súc.
Bá Tân
Baohatinh.vn