Nhân kỳ đại hội CNVC năm 2013, Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Long - Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Cty xung quanh những bài học kinh nghiệm và chiến lược phát triển cao su.
Ông Trần Thanh Long, Chủ tịch HĐTV - Tổng giám đốc Cty
Xin ông sơ qua vài nét về quá trình phát triển cây cao su ở Hà Tĩnh?
Cty Cao su Hương Khê tiền thân là một đơn vị trồng rừng, được thành lập từ năm 1972, đến tháng 7/2007, được Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn CNCSVN cho gia nhập là đơn vị thành viên của Tập đoàn. Mặc dầu chặng đường đi chưa dài nhưng Cty Cao su Hương Khê trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, vui buồn lẫn lộn.
Tuy nhiên, được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, ngành trên từ TƯ, tỉnh đến huyện, xã và nhân dân trong vùng dự án, cùng với sự đồng tâm, hợp lực đoàn kết trong nội bộ Cty nên mọi hoạt động luôn khởi sắc, thành công trên mọi lĩnh vực. Giá như tạo được quỹ đất thì chắc chắn đến nay Cty sẽ có trong tay từ 7.000 - 8.000 ha cao su đứng rồi, không phải chỉ dừng lại ở con số trên 4.000 ha như hôm nay. Dẫu sao, đây được xem như một kỳ tích, giải quyết công ăn, việc làm cho hơn 1.200 lao động và hơn 600 hộ dân nhận khoán trồng, chăm sóc cao su có thu nhập ổn định từ 3 - 3,5 triệu/người/tháng. Mọi chế độ chính sách như bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều được Cty quan tâm, đóng góp đầy đủ, góp phần quan trọng vào công cuộc XD NTM ở vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh chăm lo đời sống cho Cán bộ CNV, người lao động, năm 2012, chúng tôi đã trích hàng tỷ đồng tham gia vào các hoạt động từ thiện như trao quà cho con em vượt khó học giỏi; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà tình nghĩa; hội quán xã, thôn…
Có được kết quả trên, đó không phải là một dễ?
Đúng thế! Năm 2012, là năm Cty Cao su Hương Khê phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất kể từ ngày gia nhập Tập đoàn đến nay. Bởi, ngoài việc chịu ảnh hưởng do cơn bão suy thoái kinh tế chung, Cty còn phải đối mặt với sự phản ứng của một số bộ phận người dân trong vấn đề tranh chấp đất đai. Mặc dầu tất cả những vùng đất Cty triển khai thực hiện đều đã được tỉnh, huyện, xã đồng ý chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su, nhưng người dân vẫn đứng ra ngăn cản, phần nào đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển chung của Cty. Nhưng nhờ sự chủ động tuyên truyền, sáng tạo trong dân vận, đặc biệt luôn gần gũi chia sẻ với các hộ dân trong vùng nên cuối cùng Cty vẫn được sự đồng thuận để có được kết quả nói trên.
Tới đây, hướng phát triển cao su của Cty như thế nào?
Ngoài số diện tích hơn 4.000 ha cao su đại điền mà Cty đã có trong tay, chúng tôi đang tập trung tiếp tục mở rộng quy mô cao su đại điền và lập dự án liên kết trồng cao su với các tổ chức, hộ gia đình thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang và Hương Sơn (Hà Tĩnh), với diện tích 4.000 ha, phấn đấu đến 2015 đạt 10.000 ha.
Năm 2016 khoảng 1.000 ha cao su của Cty sẽ đi vào khai thác
Cũng trong năm 2013 này, song song việc mở rộng trồng cao su trong tỉnh, Cty có phương án mở rộng trồng cao su tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (tỉnh Viêng Chăn) và huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn bộ diện tích đều đã được khảo sát và có biên bản ghi nhớ với tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Thừa thiên Huế. Công ty đang hoàn thiện thủ tục xin chủ trương đầu tư của Tập đoàn CNCSVN, nếu suôn sẻ, Cty sẽ phấn đấu đến 2020, đưa tổng diện tích cao su đạt 20.000 ha. Trong đó, diện tích trồng tại Hà Tĩnh 10.000 ha (đại điền 7.000 ha, liên kết 3.000 ha); Thừa Thiên Huế 5.000 ha và tại Lào 5.000 ha.
Ngoài kế hoạch trồng mới, năm 2013, Cty làm thủ tục đề nghị Tập đoàn Cao su cho lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su với công suất 5.000 tấn/năm và đến năm 2016 đưa vào khai thác mủ với diện tích 1.000 ha, các năm tiếp theo diện tích khai thác sẻ được tăng dần theo tiến độ trồng hàng năm.
Xin cảm ơn ông!
Sưu tầm: Hữu Hùng
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn