Thực tiễn 84 năm qua đã chứng minh, công tác dân vận của Đảng luôn gắn chặt với mọi chặng đường phát triển của cách mạng nước ta; đã để lại kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, sáng tạo cả về lý luận và thực tiễn. Xuyên suốt quá trình đó, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của công tác dân vận theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dân xã Mai Phụ (Lộc Hà) xây dựng đường giao thông nông thôn |
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã đặt nhiệm vụ dân vận lên hàng đầu. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định: Đảng phải “thâu phục” cho được đại đa số công nhân, đa số nông dân, trí thức... Cương lĩnh đó trở thành khẩu hiệu hành động cho công tác dân vận trong việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vào đoàn thể cách mạng. Nhờ xây dựng được lực lượng chính trị của quần chúng nên Đảng ta đã lãnh đạo và tiến hành liên tục các cao trào cách mạng, như: Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931; Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939; cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1939-1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, cả dân tộc lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhờ làm tốt công tác dân vận nên Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên được sức mạnh toàn dân vào cuộc kháng chiến kiến quốc và giành thắng lợi vẻ vang.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã đạt đến đỉnh cao, trở thành khoa học và nghệ thuật. Tất cả những đường lối, chính sách mà Đảng, Nhà nước đề ra đều xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Bước vào thực hiện sự nghiệp đổi mới, bài học “dân là gốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được đề cao và hoàn thiện bằng các đường lối, chủ trương, chính sách sát đúng, phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước.
Cùng với truyền thống của Đảng, công tác dân vận của Đảng bộ Hà Tĩnh đã trải qua chặng đường lịch sử vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi to lớn của tỉnh nhà.
Qua hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác dân vận được triển khai với nhiều nội dung phong phú, đa dạng và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành về công tác dân vận ngày càng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng gắn bó. Nhiều chủ trương, nghị quyết của trung ương, tỉnh đi vào cuộc sống; các công trình, dự án trọng điểm được triển khai tích cực; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, mùa vụ, xóa đói, giảm nghèo, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo và gia đình chính sách, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới… tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.
BĐBP Hà Tĩnh giúp dân Đông Yên (Kỳ Lợi - Kỳ Anh) tháo dỡ nhà cửa, công trình chuyển đến nơi ở mới. |
Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị định của Chính phủ có nhiều chuyển biến. Các điển hình, nhân tố mới trong phong trào quần chúng trên các lĩnh vực kinh tế, VH-XH, QPAN xuất hiện ngày càng nhiều; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh. Hệ thống tổ chức dân vận các cấp, khối dân vận xã, phường, thị trấn hoạt động ngày càng hiệu quả, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; xuất hiện ngày càng nhiều điển hình, mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thành quả mà hệ thống dân vận đạt được góp phần quan trọng cùng với tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Kỷ niệm 84 năm ngày truyền thống ngành Dân vận của Đảng và 65 năm thực hiện tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể nhân dân và mọi cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tâp, quán triệt và thực hiện tốt bài báo “Dân vận” của Bác và tư tưởng dân vận của Người, đặc biệt là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; thực hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng về công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QPAN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Để phát huy tốt truyền thống của ngành, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, đội ngũ những người làm công tác dân vận phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, trau dồi phẩm chất đạo đức, kỹ năng công tác, thực sự thấm nhuần phương châm: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Tin tưởng rằng, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận của tỉnh tiếp tục đạt được kết quả toàn diện trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH, đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trần Thị Kim Hoa
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn