Đánh giá thực trạng, có chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại
Dự thảo Đề án Phát triển TM – DL – DV gồm 3 phần: Đánh giá thực trạng, hạn chế trong việc phát triển TM – DL – DV giai đoạn 2011 – 2016; xác định hướng phát triển TM – DL – DV của Hà Tĩnh trên cơ sở khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế, đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển KT – XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025; đề ra những chính sách đưa TM – DL - DV phát triển nhanh, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành TM – DL – DV.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Dũng trình bày dự thảo đề án |
Đề án do Sở Công thương chủ trì và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành theo chuyên môn. Nhu cầu nguồn vốn thực hiện đề án khoảng 5.795.757 triệu đồng, trong đó chủ yếu là nguồn huy động từ nhân dân và doanh nghiệp (5.095.669 triệu đồng) và nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lê Trần Sáng: Nên xác định lại lộ trình và tầm nhìn của đề án cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |
Tại cuôc họp, đại biểu cho rằng cần có chế tài xử lý những vi phạm trong hoạt động du lịch, thương mại; xây dựng điểm nhấn trong xây dựng tuyến du lịch; đề án cần xác định tầm nhìn xa hơn, xác định lại quy hoạch chiến lược trên từng lĩnh vực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; chú trọng vai trò của người dân trong phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch thu hút khách du lịch phải căn cứ cơ sở thực tế; có các giải pháp cụ thể khôi phục du lịch biển…
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Ngô Hoài Nam cho rằng, cần chú trọng vai trò của người dân trong phát triển du lịch. |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đề nghị Sở Công thương tiếp thu các ý kiến của đại biểu, tham mưu cho UBND tỉnh để xác định lại quy mô, thời gian của đề án. Trong đó, cần đổi lại tên gọi với mục tiêu tập trung phát triển du lịch và dịch vụ, thương mại trong thời kỳ hội nhập. Xác định lợi thế của Hà Tĩnh là du lịch tâm linh, di sản, biển; đánh giá lại thực trạng để có chiến lược phát triển phù hợp, nhất là hướng đến phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Về tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ của Hà Tĩnh, cần xác định trọng tâm là Khu kinh tế Vũng Áng, cửa khẩu và du lịch nghỉ dưỡng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý một số giải pháp cần quan tâm, trước mắt là xây dựng quy hoạch, tích cực kêu gọi đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại một số điểm du lịch có tính chất mùa vụ, chủ cơ sở kinh doanh cần chủ động vấn đề chuyển đổi hình thức kinh doanh; rà soát lại một số vấn đề quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng, giá cả để thu hút khách du lịch; đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền dưới nhiều hình thức…
Theo A.H/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn