Sau khi nghe Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Võ Kim Cự báo cáo tóm tắt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn Tỉnh, những tồn tại, vướng mắc và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh, ý kiến phát biểu của các Thứ trưởng, các Tổng cục, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định:
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo tích cực, sáng tạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện về các mặt kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Bộ đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; đồng thời ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, đây là những những nội dung chính đáng cần phải có giải pháp để giúp tỉnh tháo gỡ. Lãnh đạo Bộ giao các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu đề xuất kiến nghị của tỉnh tham mưu cho Bộ nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa trên các mặt, đặc biệt là trong việc triển khai các chương trình, dự án về các linh vực: đất đai, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; tạo điều kiện cho tỉnh tham gia các dự án quốc tế ODA về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Tỉnh, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục tăng cường phối hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Tỉnh, Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo:
Tổng cục Quản lý đất đai nghiên cứu, tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật Đất đai năm 2003 để tham mưu sửa đổi Luật và đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 69/2009/NĐ-CP trong thời gian sớm nhất; xem xét kiến nghị của Tỉnh về việc lựa chọn Hà Tĩnh làm điểm tổng kết công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ tập trung ruộng đất để báo cáo Lãnh đạo Bộ trong tháng 6/2012. Phối hợp chặt chẽ với Tỉnh để thực hiện đồng bộ công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; Bộ sẽ xem xét, ưu tiên ưu tiên hỗ trợ kinh phí tập trung trong giai đoạn 2012-2015 nhằm tạo điều kiện giúp tỉnh hoàn thành kế hoạch đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước năm 2014. Tuy nhiên, Tỉnh cần huy động các nguồn lực của địa phương đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo đo đạc đến đâu phải cấp giấy chứng nhận đến đó để bảo đảm tránh lãng phí và kịp thời phục vụ SXKD. Về thực hiện Dự án đo đạc, cắm mốc ranh giới đất nông, lâm trường Bộ đồng ý chủ trương, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để thực hiện trong năm 2013. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nhanh chóng hoàn thiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định để sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để trình Chính phủ xét duyệt; trong đó cần rà soát, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất bảo đảm thực hiện đúng các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia phân bổ, đặc biệt lưu ý các chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản kiểm tra việc sản lượng khai thác ilmenite còn tồn đọng chưa xuất khẩu của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh để tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty trong việc xuất khẩu ilmenite trong năm 2012; giúp đỡ tạo điều kiện cho Tổng công ty trong việc khảo sát, thăm dò và khai thác mỏ ilmenite tại một số tỉnh trong khu vực để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy chế biến sâu quặng ilmenite. Về xử lý cát thải mỏ sắt Thạch Khê, Bộ thống nhất không đầu tư bãi thải mà đề nghị Tỉnh đề xuất Chính phủ cho lập dự án đầu tư đê lấn biến từ nguồn kinh phí ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước mắt đề nghị Chính phủ xem xét cho phép xuất khẩu số đất cát bốc phong hóa ( bề mặt của mỏ sắt Thạch Khê) để vừa tăng hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm giảm thiểu môi trường cát bụi, đặc biệt giảm diện tích bãi thải.
Tổng cục Môi trường bổ sung, tổng hợp 20 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường còn lại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào danh mục theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Tỉnh trong việc lập, thẩm định dự án đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Quản lý tài nguyên nước hỗ trợ triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án về điều tra thăm dò, đánh giá trữ lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước, tránh thất thoát, lãng phí. Đặc biệt đề nghị Chính phủ quan tâm dụ án nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, công nhân,sản xuất công nghiệp, nông nghiệp khu kinh tế Vũng Áng.
Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh và vận động, thu hút các nhà tài trợ; xem xét, ưu tiên cho Tỉnh trong việc hỗ trợ kinh phí ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cả nguồn ngân sách và vốn ODA giúp tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn