Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải đã thông báo tình hình phát triển kinh tế xã hội, công tác dân tộc của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Hà Tĩnh hiện có 560 hộ, với gần 2 ngàn nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại 3 huyện miền núi.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và chất lượng dân số, song song với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Đến nay, 100% đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở, đất sản xuất và định cư ổn định. Toàn tỉnh có hàng trăm cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan, tổ chức, hệ thống chính trị các cấp.
Trong số đồng bào dân tộc, chiếm tỷ lệ đông nhất là dân tộc Chứt và Hà Tĩnh đã có riêng một Đề án bảo tồn và phát triển. Nhờ đó, đã từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của bà con, khắc phục tình trạng hôn nhân cận huyết.
Bà Bua-phăn Li-kai-đa, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào bày tỏ: Thời gian qua, nhân dân các bộ tộc Lào luôn biết ơn và ghi nhớ sự giúp đỡ, hợp tác chí tình, chí nghĩa của nhân dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, nhất là ổn định đời sống của người dân vùng biên giữa hai nước, tạo mọi điều kiện để con em Lào học tập tại Hà Tĩnh.
Bà Bua-phăn Li-kai-đa cũng chia sẻ về công tác dân tộc của nước Lào, và mong muốn hai bên cùng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, để thực hiện công tác này hiệu quả trong thời gian tới. Qua đó, tiếp tục phát triển mối quan hệ đoàn kết truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề dân tộc, tập trung vào các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề nảy sinh; mô hình trường dân tộc nội trú; vấn đề quản lý và trao đổi lao động giữa hai nước Việt Nam, Lào và một số nước lân cận.
Nguyễn Hằng
http://hatinhtv.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn