Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cao hiệu quả kinh tế không phải là câu chuyện mới với nông dân Hà Tĩnh. Vài năm lại đây, các cánh đồng rau liên tục được mở rộng, không ít mô hình cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy vậy, người sản xuất vẫn chưa thể ấm lòng...
Rau “thế chân” lúa…
Theo ước tính, mỗi năm, toàn tỉnh có trên dưới vài chục nghìn ha rau, phân bố không chỉ ở những vùng sản xuất truyền thống mà còn “lấn sân” ở vùng đất lúa kém hiệu quả. Câu chuyện người nông dân thu lãi lên đến hàng trăm triệu đồng từ đồng rau đã hiện hữu ở nhiều nơi. Đặc biệt, sự khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước trong việc hình thành, nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn, rau chất lượng cao đã tạo đà cho nhà nông trong việc chuyển hướng làm giàu.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu, nghề trồng rau đưa lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân. |
Xã Tượng Sơn (Thạch Hà) là một trong những địa phương “tiên phong” thực hiện bước đột phá từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng rau an toàn. Dưa chuột, bí xanh, mướp ngọt và các loại cây ăn lá khác, mùa nào cây nấy, tính ra mỗi năm, người nông dân thu về trên 200 triệu đồng/ha, gấp 3 lần trồng lạc và 5 lần trồng lúa. Vượt qua chặng đường khó khăn khi mới khởi nghiệp (2,5 ha), giờ đây, cả HTX Hoàng Hà đã làm chủ 33 ha trù phú rau, quả các loại đạt tiêu chuẩn an toàn.
Chị Nguyễn Thị Thuận (thôn Trung Lập) cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ biết dựa vào cây lúa và lạc, làm vất vả mà cả năm giỏi cũng chỉ được vài ba triệu bạc. Hồi mới chuyển đổi sang trồng rau, lạ đủ thứ, kinh nghiệm không có, quy trình sản xuất khắt khe nhưng lâu dần thành có kinh nghiệm. So với 2 loại cây truyền thống thì trồng rau hiệu quả hơn nhiều”.
Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tiến Đạt (thị trấn Đức Thọ) do chị Trần Thị Hà làm Tổ trưởng vừa trải qua mùa sản xuất đầu tiên. Sinh sau đẻ muộn so với nhiều mô hình, 4 hộ nông dân tạo bước đột phá bằng cách đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất.
Chị Trần Thị Hà cho biết: “Toàn bộ 2 ha này là do tổ hợp tác nhận theo hình thức đấu thầu của thị trấn. Hiện nay, mô hình có trên 10 loại giống từ su hào, bắp cải, các loại cải ăn lá và rau gia vị. Mới thu hoạch lứa đầu tiên (từ 1 tháng trước Tết Nguyên đán đến nay), mô hình đã thu lãi ròng 30 triệu đồng”.
Thị trường chưa rộng cửa…
Thực tế nhu cầu tiêu thụ rau, nhất là rau sạch đang trở nên bức thiết. Tuy nhiên, người sản xuất luôn kêu thừa, còn nhà tiêu thụ lại kêu thiếu. Để tồn tại, người nông dân đành ôm “đứa con” của mình bươn chải cùng sự thăng trầm của thị trường. Ngay như ở Tượng Sơn, thương hiệu rau của HTX Hoàng Hà đã đến được với thị trường khó tính, thậm chí có không ít hợp đồng với các đối tác ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm nhưng cũng không khỏi “lao đao” khi các loại cây vào thu hoạch chính vụ.
Người sản xuất luôn kêu thừa, còn nhà tiêu thụ lại kêu thiếu |
Còn như ở Thạch Liên, quay về với sản xuất truyền thống trước đây, người trồng rau càng phải đối mặt với khó khăn khi thị trường biến động. Chẳng hạn, sau Tết Nguyên đán, mỗi kg bắp cải mua tại ruộng giá 3.000 đồng, còn các loại rau cải giá bán như cho. Có người còn để mặc cải trổ ngồng mà không thèm thu hoạch. Theo những người nông dân, dù rất muốn đầu tư sản xuất chuyên canh theo định hướng thị trường nhưng trong điều kiện rủi ro cao khiến họ khó mà đáp ứng được.
Xét đến cùng, nguyên nhân sâu xa vẫn là nền sản xuất manh mún, thiếu liên kết đã khiến cho sản xuất rau truyền thống trở nên tùy tiện về quy trình kỹ thuật, quy hoạch chủng loại và thiếu thương hiệu.
(Còn nữa...)
NGUYỄN OANH - THÀNH CHUNG
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn