|
Bế giảng lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, thị trấn Can Lộc (Hà Tĩnh) Nhiều chi bộ 10 năm không có đảng viên mới Trước thềm đại hội Đảng các cấp lần thứ XII, các tổ chức cơ sở Đảng đang vạch ra đường hướng nhằm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức cơ sở Đảng là chăm lo công tác phát triển đảng viên. Nhưng một thực tế đang diễn ra tại các vùng nông thôn không chỉ riêng Hà Tĩnh, đó là khó khăn trong công tác phát triển đảng viên mới. Khu vực nông thôn, miền núi ở Hà Tĩnh chiếm khoảng 80% nhưng số lượng đảng viên mới hàng năm chỉ chiếm từ 25-35%. Theo thống kê của Ban tổ chức tỉnh Hà Tĩnh, năm 2014, Hà Tĩnh kết nạp được 3.453 đảng viên mới, trong đó chỉ có 1.197 người là nông dân. Mặt khác, tại các chi bộ thuộc khu vực nông thôn thực trạng công tác phát triển Đảng là vấn đề đáng phải bàn, bởi có nhiều chi bộ từ 2-5 năm, thậm chí là 10 năm không kết nạp thêm được một đảng viên mới nào. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó phòng tổ chức đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: "Công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn của Hà Tĩnh trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, có những chi bộ hơn 10 năm không kết nạp được đảng viên nào, còn từ 2-5 năm không kết nạp được đảng viên mới nào thì rất nhiều. Nguyên nhân là do thanh niên sau khi học xong thì đi học nghề, hoặc đi học tại các trường cao đẳng, đại học, xuất khẩu lao động, vào Nam làm công nhân. Còn quần chúng tại các chi hội khác thì vi phạm kế hoạch hóa gia đình, không đủ điều kiện kết nạp...”. Với ông Đặng Ngọc Thanh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Minh Hương (Trung Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), trong 12 năm làm công tác Đảng, việc khiến ông trăn trở nhất là phát triển đảng viên. Minh Hương là một trong những chi bộ mạnh nhất của Đảng bộ Trung Lộc, nhưng 12 năm qua chỉ kết nạp được thêm 3 đảng viên mới, trong đó cả 3 người là cán bộ xã tham gia sinh hoạt tại chi bộ chứ không có đảng viên nào trưởng thành từ thôn. Hàng ngày, ông Thanh cùng các đồng chí trong ban công tác Mặt trận phải đến nhà thanh niên, đoàn viên, quần chúng trong thôn để vận động nhưng không thành. Ông Thanh chia sẻ: "Bây giờ vấn đề nan giải nhất của chi bộ chúng tôi là phát triển đảng viên mới, nhiệm kỳ nào cũng đề ra mục tiêu kết nạp từ 1-2 đảng viên nhưng thực tế thì không thể làm được, vì không có nguồn. Đoàn thanh niên cũng không có nguồn, còn các chi hội khác như Hội Cựu chiến binh, hội Nông dân, hội Phụ nữ cũng không tìm ra được quần chúng nào ưu tú để giới thiệu vào Đảng. Khi nào sinh hoạt chi bộ cũng đem vấn đề này ra bàn luận tìm giải pháp nhưng vẫn bế tắc. Đây là vấn đề không chỉ riêng chi bộ chúng tôi gặp phải mà hầu như chi bộ nào cũng như vậy”. Loay hoay tìm nguồn Làn sóng ly hương làm ăn xa, đi học, xuất khẩu lao động... đã trở thành phong trào tại các vùng quê Hà Tĩnh. Số học sinh, sinh viên đi học tại các trường đại học, cao đẳng thì cố bám trụ lại các thành phố lớn để kiếm việc làm. Một bộ phận ít thanh niên làm nông nghiệp tại quê nhà thì không mấy mặn mà với việc vào Đảng, quần chúng tại các chi hội khác thì không thực sự ưu tú để giới thiệu vào Đảng... Tất cả đã khiến công tác phát triển đảng viên nông thôn ở Hà Tĩnh dường như luẩn quẩn, bế tắc. Anh Phan Văn Quang, Trưởng ban tổ chức tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết: "Khó khăn trong công tác giới thiệu đoàn viên nông thôn ưu tú vào Đảng của Hà Tĩnh là do lực lượng mỏng. Hiện nay số lượng đoàn viên, cán bộ đoàn tại các thôn, xóm biến động thường xuyên, thậm chí có những năm nhiều chi đoàn khuyết bí thư chứ chưa nói gì đến giới thiệu đi học cảm tình Đảng”. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó phòng công tác Đảng Ban tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhận định: "Những giải pháp phát triển đảng viên nông thôn tỉnh đề ra trong thời gian qua nhìn chung chưa thực sự phát huy hiệu quả”. Với thực trạng như vậy, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng của Đảng, cần chú trọng tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên lập thân lập nghiệp ngay chính trên quê hương của mình tránh tình trạng ly nông, ly hương, thực hiện tốt chính sách tam nông, xây dựng nông thôn mới, khuyến khích, ưu tiên con em sau khi học Cao đẳng, Đại học trở về quê hương lập nghiệp, chú trọng phát triển Đảng đối với bộ đội xuất ngũ, vận động con em sau khi xuất khẩu lao động về đầu tư, làm ăn tại quê nhà... Các giải pháp này được thực hiện đồng bộ, có kế hoạch cụ thể thì bài toán phát triển đảng viên nông thôn ở Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung mới có lời giải đúng và trúng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn