Hà Tĩnh: Thực hiện thành công mô hình nuôi thương phẩm một số loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao bằng công nghệ lồng nhựa HDPE
Thứ tư - 18/07/2018 03:12
Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng khá lớn cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, do có hệ thống các con sông như sông Ngàn Trươi, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, Sông La, sông Lam chạy qua địa bàn tỉnh. Diện tích tiềm năng NTTS nước ngọt là rất lớn (trên 13.000 ha), trong đó phải kể đến các loại hình như ruộng trũng, ao hồ nhỏ và mặt nước lớn (có 345 hồ chứa lớn, nhỏ)... rất thuận lợi cho việc trữ nước cho các hoạt động kinh tế và nuôi trồng thuỷ sản.
Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt của tỉnh, từ giữa năm 2017 - 2018 bằng một phần nguồn vốn hỗ trợ khoa học của tỉnh và nguồn vốn tự có của doanh nghiệp - Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng thủy sản đã triển khai thực hiện có hiệu quả “Dự án Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm một số loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao bằng công nghệ lồng nhựa HDPE chi phí thấp trên hồ chứa tại Hà Tĩnh” địa điểm thực hiện tại Hồ Khe Lim, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Về lồng nuôi, được thiết kế 1 cụm lồng gồm 10 ô lồng hình vuông, có quy cở (5 x 5 x 4m) tương đương 100m3 /ô lồng. Điểm khác biệt so với lồng truyền thống nuôi cá nước ngọt ở Hà Tĩnh là khung lồng làm bằng nhựa HDPE làm phao và cố định túi lưới do công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng thủy sản sản xuất với chi phí thấp. Quy mô lông nuôi là 1.000 m 3 (10 ô lồng, mỗi ô lồng 100 m3 ).
Về sản phẩm các đối tượng nuôi, cá trắm đen mật độ nuôi 10 con/m3 (đạt 2.173,7 gam/con, tỷ lệ sống 83,5%); cá rô phi đường nghiệp, mật độ nuôi 25 con/m3; đạt 901,5 gam/con, tỷ lệ sống 97%; cá trắm giòn 5 con/m3 đạt 2.120,4 gam/con, tỷ lệ sống 99,75%. Năng suất chung đạt 20 kg/m 3; sản lượng sản phẩm cá thương phẩm các cá đạt gần 23 tấn. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Trắm đen, cá rô phi đường nghiệp, cá Trắm giòn, cá Chép giòn trong lồng trên hồ, đập lớn tại Hà Tĩnh.
Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN cấp tỉnh, mô hình nuôi cá trong lồng nhựa HDPE chi phí thấp (rẻ hơn lồng truyền thống 15 - 20%, tiết kiệm chi phí nhân công vận hành). Đối với các loài cá trắm đen, rô phi đường nghiệp, cá chép giòn, cá trắm giòn là các đối tượng hải đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng; cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Thành công của mô hình dự án đã góp phần tạo nên sự đa dạng hóa về hình thức nuôi và đối tượng nuôi, bổ sung một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu đàn cá nuôi nước ngọt tại địa phương, có triển vọng và khả năng nhân rộng cao cho các vùng có hồ chứa trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tiềm năng mặt nước hồ chứa sẵn có của địa phương./.
Tác giả bài viết: http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn