Theo đó, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối họp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện ven biển bằng mọi biện pháp kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.
Tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; rút kinh nghiệm trong việc neo đậu tránh trú cơn bão số 2, thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn khi đã về bến neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và mưa, lũ; cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển; trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi: Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng chủ động vận hành các công trình tiêu thoát nước đệm, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu; kiểm tra và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công dở dang. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.
Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương tổ chức kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm, tràn qua sông, suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho khách du lịch tại các khu du lịch của tỉnh, không được để khách du lịch bất cẩn xảy ra các tình huống đáng tiếc trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn - Thượng Sông Trí, Ngàn Trươi - Cẩm Trang; hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động điều tiết hồ đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
Đề nghị các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT và TKCN tại các địa phương trực tiếp xuống cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão và mưa, lũ.
Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh theo dõi thường xuyên diễn biến của bão; phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin về tình hình, diễn biến của bão đến các địa phương, các ngành và nhân dân được biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.
Hồi 08 giờ ngày 25/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 180km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Chiều tối nay (25/7), bão đi vào Hà Tĩnh - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 26/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, biển động) từ vĩ tuyến 16,00N đến 19,00N; phía Tây kinh tuyến 110,00E. Vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5m; biển động mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2-3m. Từ trưa nay, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9; khu vực các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3. Từ ngày 25-27/07, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 150-250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-150mm cả đợt). Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn