Đây là mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng giống ngô lai mới được Sở NN&PTNT Hà Tĩnh giao giao cho Chi cục Trồng trọt & BVTV phối hợp với UBND huyện Hương Sơn thực hiện, với mục đích đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển, tính thích ứng, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế giống ngô NK6253 trên địa bàn.
Ông Nguyễn Anh Tài, PGĐ Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn cho biết: “Kết quả thực tế sản xuất trên đồng ruộng tại Hương Sơn cho thấy, đây là giống ngô có nhiều đặc tính ưu việt, phù hợp với địa phương, như: Sinh trưởng và phát triển khỏe, chống chịu tốt một số bệnh hại, độ đồng đều cao, chống đổ và bảo toàn mật độ của giống NK6253 tốt. Bắp to, dạng hình trụ nên các hạt độ đồng đều cao, kết hạt tốt mặc dù điều kiện thời tiết vụ sản xuất này có nhiều bất lợi.
Lõi nhỏ, hạt dạng răng ngựa, đá hạt, tỷ lệ tách hạt cao, tỷ lệ tách hạt thời điểm chín sinh lý tại mô hình đạt tới 85,5%, là giống ngô có tỷ lệ tách hạt cao nhất từ trước đến nay trồng tại địa phương. Bộ lá xanh bền đến lúc thu hoạch, thu bắp rồi lá vẫn sử dụng được làm thức ăn chăn nuôi, phù hợp với nhu cầu chăn nuôi của địa phương, đặc biệt là nghề nuôi hươu yêu cầu nguồn thức ăn chất lượng cao”.
Nông dân Phan Văn Nghệ trực tiếp sản xuất giống ngô NK6253 cho biết: “Tại huyện chúng tôi, vụ Đông thì mưa rét, vụ Xuân thì mưa và gió lốc, vụ Hè thì nắng nóng và gió Lào, nghề sản xuất ngô bấp bênh. Nhưng nhu cầu nguồn thức ăn cho chăn nuôi nông hộ như nghề hươu, trâu bò, lợn gà, cung cấp sinh khối cho trang trại Vinamilk ở đây rất lớn, vì thế không thể không có ngô.
Trồng ngô không chỉ lấy hạt, mà cây cũng được sử từ đầu vụ đến cuối vụ. Ban đầu thường gieo dày hơn khuyến cáo và tỉa dần cây đến mật độ phù hợp từ 7-8 lá đến sắp trỗ cờ, sau khi ngô kết hạt thì chúng tôi sử dụng dần lá gốc đến lá dưới bắp để chăn nuôi, vì gia súc cần thức ăn liên tục. Sau khi thu hoạch bắp, nếu lá còn xanh cũng đươc tận dụng cho chăn nuôi".
Cũng theo anh Nghệ, những năm trước vì điều kiện thời tiết bất lợi, bà con thường gieo trồng các giống ngô giá rẻ, vì lỡ có mất cũng đỡ tiếc giống. Nhưng các giống ngô này thường lá nhanh tàn, mỏng lá, nhỏ cây, bắp nhỏ, nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp và không hiệu quả kinh tế.
Hai năm trở lại đây họ đúc rút được kinh nghiệm, cứ vụ Đông chính vụ (trồng từ 01/09-31/12 hàng năm) và vụ Xuân sớm (01/01-28/02 hàng năm) né được mưa lũ và gió Lào thì chuyển sang trồng các giống ngô chất lượng cao như NK7328, NK66...
"Năm nay tôi trồng 5 sào NK6253 đều thành công. Ưu điểm của các giống ngô này là năng suất hạt cao, sinh khối lớn và bộ lá xanh bền đến lúc thu hoạch, tận dụng được làm thức ăn chăn nuôi. Năng suất hạt giống NK6253 vụ này tôi trồng đạt từ 4 - 4,5 tạ/sào 500m2”, anh Nghệ nói.
Ông Phan Văn Huân, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh đánh giá: “Qua kết quả thực hiện mô hình chuyển giao, chúng tôi đánh giá đây là giống ngô phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cơ cấu mùa vụ và tập quán canh tác tại địa phương. Giống sinh trưởng phát triển tốt, có khả năng chống chịu với một số điều kiện ngoại cách bất lợi, năng suất và chất lượng cao vượt trội so với các giống ngô truyền thống”.
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh: “Giống ngô NK6253 là giống ngô lai có năng suất và chất lượng cao, đã được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh trên cả nước, đặc biệt đây là giống ngô chủ lực tại tỉnh Sơn La, nơi sản xuất ngô lớn nhất nước. Đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới tại khu vực Bắc Trung Bộ từ 14/01/2019. Đề nghị huyện Hương Sơn tiếp tục nhân rộng mô hình trong các vụ tới, để có định hướng phát triển trồng giống ngô mới này, giúp người nông dân tiếp cận được với các tiến bộ KHKT, mang lại hiệu quả kinh tế từ nghề trồng ngô”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn