Diễn tập phòng ngừa thảm họa cháy rừng của người dân xóm 3, xã Phúc Ðồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) |
Hai tay hai xô nước thoăn thoắt chạy lên ngang lưng đồi nơi đám cháy của buổi diễn tập đang xảy ra, chị Trần Thị Thơn, 48 tuổi ở xóm 3 cùng đông đảo bà con đã khống chế được đám cháy. Gạt những giọt mồ hôi hòa quện cùng nước mưa, bụi khói, chị cho biết: Tôi có năm người con, trong đó hai cháu lớn hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh. Nhờ vào trồng rừng cho nên đủ trang trải cho cuộc sống, các cháu còn nhỏ đều được đến trường. Tuy nhiên, mùa hè năm 2008, một trận cháy rừng chút nữa làm gia đình chị "khuynh gia bại sản". Khi đó, gia đình chị nhận trồng hơn chục ha thông cho phân trường 3, thuộc lâm trường trồng rừng chi nhánh Hương Khê. Khi thông chuẩn bị cho thu hoạch, thì một đám cháy bùng phát do người dân vô tình đốt ong đất gây nên. Khi phát hiện ra, ngọn lửa đã lan rộng, cầm con dao phát rừng, chị vội vàng phát tán chung quanh đám cháy để khống chế lửa cháy lan, nhưng do thời tiết năm đó khắc nghiệt nên lửa đã vây quanh lấy chị tưởng chừng khó thoát khỏi. Nghe thấy tiếng hô của chị và những người đốt ong, bà con dân bản lao vào chữa cháy với tất cả những dụng cụ như cành cây đập lửa, xoong, chậu, xô, dao phát rừng... Một "vòi rồng" được kéo từ chiếc máy bơm nước thả ở giếng nhà chị lên thẳng gần đỉnh đồi, nơi ngọn lửa đang ngùn ngụt cháy. Cũng phải mất hơn hai tiếng đồng hồ, hàng chục con người kiên trì "vật lộn" với giặc lửa cuối cùng đám cháy cũng được dập tắt. Thiệt hại năm đó của gia đình chị ước tính khoảng bảy đến tám ha rừng thông. Vì vậy, với chị những lần diễn tập như thế này giúp gia đình chị cùng bà con trong xóm luôn có tinh thần cảnh giác với hỏa hoạn khi mùa khô đến, nhất là những ngày nắng nóng kéo dài. Ðồng thời cũng là dịp nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giữa bà con trong xóm.
Trong những năm qua, do biến đổi của khí hậu toàn cầu, hiện tượng thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó các hiện tượng cháy nhà ở, cơ sở sản xuất, chế biến, cơ sở buôn bán các loại hàng hóa dễ cháy, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của nhân dân. Nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn chủ yếu do con người bất cẩn khi sử dụng các vật liệu dễ cháy, dùng lửa không an toàn... Ðể hạn chế tối đa những thiệt hại do thảm họa gây ra, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh Bùi Văn Bốn cho biết: Thực hiện chương trình truyền thông về phòng ngừa thảm họa, thuộc dự án "Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng" do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời chỉ đạo tới huyện hội và từng xã có diện tích trồng rừng lớn lập kế hoạch, phương án phòng ngừa ứng phó thảm họa. Cụ thể là đối với các cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp ở địa phương xây dựng kế hoạch, biện pháp từng bước tiến hành cụ thể phù hợp với loại thảm họa, mức độ, phạm vi để chủ động trong ứng phó. Xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo, báo động, hệ thống thông tin liên lạc chuẩn bị trang thiết bị cần thiết khi cần có thể huy động tối đa về lực lượng để ứng cứu kịp thời. Ðối với mỗi gia đình và người dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm, coi nhiệm vụ phòng ngừa và ứng phó thảm họa là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người, cho nên khi phát hiện hoặc được thông tin về hỏa hoạn, mọi người phải kịp thời dập tắt đám cháy khi mới bùng phát. Mỗi gia đình cần có ý thức xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động trong tình huống hỏa hoạn có thể xảy ra, chuẩn bị một số dụng cụ thiết bị cần thiết. Ðặc biệt, thường xuyên có những buổi diễn tập, đưa ra những phương án phòng cháy hữu hiệu, qua đó giúp bà con nâng cao hơn ý thức trong phòng ngừa do cháy rừng nói riêng, cứu hộ, cứu nạn và di dời dân trong vùng ngập lụt mỗi khi thảm họa xảy ra.
Bài và ảnh: TRỊNH SƠN
Nguồn:nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn