Những luống rau mới lại nhú mầm trên cát dưới sự chăm sóc của công nhân Mitraco.
Dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) do Tổng Công ty KS-TM (Mitraco) làm chủ đầu tư đã đi qua gần 3 tháng. Còn nhớ, bắt đầu từ việc san đất, đào kênh rồi kể cả khi đất vun thành luống thì cũng không ít người còn nghi ngại việc làm cho vùng đất chỉ toàn cát trắng xóa phải “nở hoa”.
Ông Dương Tất Thắng - Tổng Giám đốc Mitraco cho biết: “Trước khi thực hiện dự án, chúng tôi đã được tham quan, học tập mô hình sản xuất rau, củ, quả ở vùng đất tương đồng tại Dongshan (Trung Quốc) và được đội ngũ chuyên gia hỗ trợ về công nghệ, giống kể từ ngày triển khai. Dẫu thế, vì lần đầu tiếp cận sản xuất rau, củ, quả, lại là “người tiên phong” đưa công nghệ sản xuất rau, củ, quả vào đất cát hoang hóa nên chúng tôi rất lo lắng. Chỉ khi những cây rau, củ non tơ tách hạt nảy mầm trên cát thì mới thở phào nhẹ nhõm.
Dự án thành công, không những mở ra hướng phát triển kinh tế cho nông dân trong vùng mà còn kích thích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi với ngành sản xuất phân bón và hình thành chuỗi ngành hàng từ sản xuất đến tiêu thụ”. Nói rồi, chị kỹ sư đi cùng nhổ lên một cây củ cải chắc mậm, trắng ngần, loại này đã bắt đầu cho thu hoạch. Chị bảo, ở đây có cả loại củ tròn và củ dài nhưng đặc điểm chung là chúng sinh trưởng rất khỏe và cho củ đều đặn, có giống còn cho củ nặng 3-4 kg/củ.
Hiện ở cả 2 khu vực (10 ha và 2 ha), dự án sản xuất 12 loại giống, trong đó có 6 loại cải, 2 loại củ cải trắng, măng tây, cà rốt, cà chua và đậu tứ quý. Trong số này, giống cải bẹ và củ cải trắng loại nhỏ đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tính trung bình, mỗi ngày, củ cải trắng có thể cho thu hoạch 300-500 kg và cải bẹ thì cứ 1m2 thu 3,2-3,5 kg rau. Qua kênh dịch vụ của Mitraco, sản phẩm đã có mặt tại một số quầy hàng rau, củ của Hội Nông dân, chợ TP Hà Tĩnh để đến với người tiêu dùng.
Chị Bùi Thị Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Văn cho biết: “Đất ở đây, hè thì nắng hạn, mưa xuống lại lụt lội, trước nay, bà con vẫn tận dụng một số diện tích để trồng lạc nhưng không ăn thua. Thế nên, người ta bỏ hoang nhiều. Bây giờ, chứng kiến rau, củ xanh tốt, cho quả trên đất cát cứ như một kỳ tích. Khi được chuyển giao công nghệ, nhất định chúng tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất trên toàn xã”.
Theo chuyên gia thì điều kiện tự nhiên, thời tiết của vùng hoàn toàn thích ứng với sản xuất rau, củ, quả, chỉ có người sản xuất phải biết “chiếm lĩnh” tự nhiên bằng KHKT để ứng phó với điều kiện canh tác khắc nghiệt trên vùng đất cát. Cụ thể, bên cạnh nguồn giống chất lượng, quy trình kỹ thuật chặt chẽ, đòi hỏi hạ tầng phải có hệ thống kênh thoát nước tránh ngập úng và hệ thống tưới ổn định, thường xuyên. Điều quan trọng hơn cả, mô hình này còn có tác dụng cải thiện đất, thân thiện với môi trường và an toàn với sức khỏe con người khi nó hoàn toàn sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ.
Hôm chúng tôi đến, bên cạnh những luống rau vừa được công nhân thu hoạch, nhiều luống khác lại tiếp tục vun xới để chuẩn bị ươm mầm cho lứa rau mới. Màu xanh đã phủ gần hết diện tích dự án, cát đã thực sự nở hoa. Ông Lê Văn Danh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên cho biết: “Trước mắt, huyện chỉ đạo triển khai 8 ha tại xã Cẩm Hòa và Thiên Cầm. Hiện, vùng sản xuất đã được khoanh vùng và bắt đầu triển khai làm đất. Đây sẽ là nhân tố để huyện mở rộng ở các địa phương có điều kiện tương đồng, nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho người dân”.
Được biết, dự án sản xuất rau, củ, quả trên đất cát hoang hóa, bạc màu sẽ tiếp tục được mở rộng ở các địa phương lân cận có điều kiện tự nhiên tương đồng. Không chỉ tại 3 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Lộc Hà, dự án còn thu hút sự quan tâm của Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương với diện tích thử nghiệm 2 ha.
Mùa xuân mang màu xanh của rau, của lúa đang về với vùng đất cát. Cát đang trở mình thức giấc. Những con người sống trong cát đang khởi sự một hành trình để cho cát nở hoa.
NGUYỄN OANH
theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn