Sáng 27-2, đồng chí Lê Đình Sơn, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng thường trực Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh chủ trì hội thảo góp ý Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, trường Đại học Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu Ban biên soạn sắp xếp theo hướng tinh gọn các
chuyên đề và bổ sung một số chuyên đề về khoa học công nghệ, môi trường văn hóa, môi trường
sinh thái ở nông thôn, kết quả 2 năm triển khai xây dựng NTM ở tỉnh ta.
Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM do Trường Chính trị Trần Phú chủ trì biên soạn, gồm 12 chuyên đề, được biên soạn theo Chương trình Khung đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ xây dựng nông thôn mới ở các cấp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tại Quyết định số 1003/QĐ-BNN-KTHT ngày 18/05/2011của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ tài liệu đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính lịch sử - cụ thể, phù hợp với đối tượng là cán bộ cấp xã, thôn.
Trong quá trình biên soạn, nhóm biên soạn của trường Chính trị Trần Phú nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và các sở, ban, ngành liên quan. Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm biên soạn đồng thời, bày tỏ sự đồng tình với bố cục, nội dung, tính khoa học của bộ tài liệu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, với đối tượng là cán bộ cấp thôn, xã các chuyên đề cần cô đọng, tăng cường kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp, cách làm cụ thể; cần cập nhật các số liệu mới những thành tựu cũng như bài học kinh nghiệm sau hai năm triển khai xây dựng NTM. Bên cạnh đó, một số chuyên đề cần nhập lại, rút gọn, cô đọng hơn. Một vấn đề cần quan tâm trong tiến trình xây dựng NTM mà cuốn tài liệu đang thiếu đó là: môi trường văn hóa, môi trường sinh thái ở nông thôn phải được bổ sung…Trong tài liệu cần chú trọng từ ngữ phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ, xây dựng bài tập tình huống nhằm tăng khả năng theo dõi, tiếp thu của học viên.
Các đại biểu góp ý tài liệu đào tạo cán bộ xây dựng NTM
Phát biểu kết luận Hội thảo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao tập thể ban soạn thảo đã dành tâm huyết, trí tuệ để biên soạn tài liệu kịp thời, nội dung đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, bộ tài liệu vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: nội dung các chuyên đề còn khá dài, lý thuyết nhiều, còn mang tính cẩm nang nghiên cứu, tính thực tiễn chưa cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mục đích trước hết phải đào tạo ra một đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn trở thành những người vận động, tổ chức, lãnh đạo và đánh thức tiềm năng, huy động nguồn lực trong dân để xây dựng NTM. Đây là yếu tố quan trọng để lộ trình xây dựng NTM thành công theo hướng bền vững. Để bộ tài liệu sớm hoàn thiện, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu Ban biên soạn cần tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp của các đại biểu; sắp xếp theo hướng tinh gọn các chuyên đề và bổ sung một số chuyên đề về khoa học công nghệ, môi trường văn hóa, môi trường sinh thái ở nông thôn, kết quả 2 năm triển khai xây dựng NTM ở tỉnh ta. Trong mỗi chuyên đề cần bổ sung các kiến thức, kinh nghiệm, các mô hình tiêu biểu trong tỉnh, trong huyện và trong nước. Tổ chức đào tạo đội ngũ thầy (cán bộ làm NTM ở xã, thôn) trở thành lãnh đạo, cầm tay, chỉ việc cho dân làm cùng làm với dân, từ đó khơi dậy tiềm năng lợi thế ở các địa phương, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM…
Ngô Thắng