Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm và biên dịch tư liệu Hán Nôm về Hà Tĩnh”
Hà Tĩnh hiện còn lưu giữ lại nhiều di sản Hán Nôm quý giá, như văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự, các bản hương ước, tộc ước, mộc bản v.v... Thế nhưng, một vấn đề đặt ra là hiện nay nguồn tri thức này không được sử dụng đúng với giá trị vốn có của nó. Các văn bản Hán Nôm do thời gian bào mòn, có thể đã hư hỏng, không còn xử lí được. Thể loại sắc phong cũ một số đã rách, mất chữ, hư hỏng nhiều. Một số văn bia đã bị mờ, không còn đọc được chữ. Thực trạng hệ thống câu đối là vấn đề cần lưu tâm nhiều nhất. Một số câu đối chữ đã mờ không còn đọc được, hoặc rất khó đọc. Một số câu đối thì bị bong tróc, gãy nét, mất nét hầu như không còn đoán định được chữ. Nguyên nhân khác nữa, ở một số di tích (thường chủ yếu là nhà thờ dòng họ), khi câu đối có dấu hiệu hư hỏng, con cháu, người dân thường tự ý chỉnh sửa. Do nguồn nhân lực hiểu biết về chữ Hán, sử dụng được chữ Hán hiện nay không nhiều nên trong quá trình tu sửa, tại một số di tích không còn giữ được kiểu chữ viết ban đầu, không những thế còn làm sai lệch nét, khiến các nhà nghiên cứu rất khó đoán định chữ và xác định lại hiện trạng nguyên gốc ban đầu của câu đối. Việc xử lý mang tính tự phát là một trong những nguyên nhân chính làm hư hỏng hết câu đối cổ tại các di tích.
Hội thảo cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm sử dụng, phát huy được triệt để giá trị của nguồn Di sản Hán Nôm. Đầu tiên, phải xây dựng một đội ngũ cán bộ Hán Nôm đông đảo về số lượng, vững vàng về chuyên môn, nhiệt huyết với nghề ở tại địa phương. Thứ hai, để cán bộ Hán nôm có nhiệt huyết, yêu nghề, thì tại địa phương cần có các chính sách thu hút giới trẻ học tập, nghiên cứu bộ môn này cũng như những chính sách dành cho người làm công tác Hán Nôm để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện trong việc nghiên cứu nguồn tư liệu này. Thứ ba, khi tuyển dụng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng, đặc biệt là cán bộ sưu tầm, các cơ quan tuyển dụng cần đưa ra tiêu chí hiểu biết về chữ Hán, chữ Nôm cho đối tượng được tuyển dụng, ưu tiên những người biết chữ Hán, chữ Nôm khi tuyển dụng. Hàng năm, cần tổ chức các cuộc tập huấn về chữ Hán cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản. Thứ 4, chúng ta cũng cần phổ biến rộng chữ Hán trong giới học sinh, sinh viên. Để làm được những điều đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của ngành văn hóa nhằm “cứu” nguồn di sản quý giá này. Hiện tại, ngành văn hóa đã có kế hoạch dài hơi đó là số hóa các nguồn tư liệu Hán Nôm, dịch thuật và xuất bản, sao chụp lại tài liệu. Hàng năm, Bảo tàng tổng hợp Hà Tĩnh có kế hoạch sưu tầm nguồn các tài liệu Hán Nôm đang tồn tại rải rác trong nhân dân, dịch thuật và bảo quản.
Hội thảo đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Hà Tĩnh địa chí lược” do thạc sĩ Hán Nôm Hoàng Ngọc Cương chủ biên. Đây là tập sách được tuyển tập, dịch thuật từ nội dung của 4 tập sách: Hà Tĩnh tập biên; Hà Tĩnh xã chí; Dư địa chí xã, huyện, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; An – Tĩnh sơn thủy vịnh.
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu trao đổi về chuyên môn, tìm kiếm giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trong nghiên cứu về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Hà Tĩnh.
Minh Đức/http://sovhttdl.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn