Các đại biểu dự Hội thảo
Các đồng chí: Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Dương Tất Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có các đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; một số nhà khoa học đến từ các trường đại học trong nước; đại diện lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Đồng chí Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung (tháng 4/2016) đến nay, FHS đã cơ bản hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang cốc khô và đặc biệt là hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học. FHS đã khắc phục hoàn toàn 53 lỗi, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên đôn đốc, giám sát và yêu cầu FHS đầu tư, cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình xử lý, ứng phó với sự cố môi trường; yêu cầu FHS chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương và các chuyên gia nghiên cứu, làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn của phương án xả thải để xác định phương pháp tối ưu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam báo cáo các giải pháp cải thiện công nghệ xử lý môi trường và kết quả chất lượng nước sau xử lý của FHS. Tháng 10/2016, FHS hoàn thành xây dựng lò cao số 1 và các hạng mục công trình phục vụ cho lò cao số 1 vận hành, đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam. Để nâng cao hệ số an toàn môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, FHS đã hoàn thành xây lắp bổ sung các công trình bảo vệ môi trường nước thải và khí thải. Đến tháng 3/2017, FHS có 03 trạm xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, gồm: Trạm xử lý nước thải sinh hoạt (công suất 2.400 m 3 /ngày), trạm xử lý nước thải sinh hoá (công suất 4.800 m 3 /ngày), trạm xử lý nước thải công nghiệp (công suất 45.000 m 3 /ngày). Các loại nước thải được bơm đến trạm quan trắc online, quan trắc 15 thông số kết nối truyền số liệu đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh trước khi xả ra biển. Kết quả giám sát nước thải liên tục do Viện Công nghệ môi trường thực hiện cho thấy, từ 27/7/2016 đến nay, nước thải trước khi ra biển đều đạt quy chuẩn cho phép.
Đại diện Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường Trường Đại học Xây dựng giới thiệu về Hệ thống hồ sinh học kiểm soát sự cố, chỉ thị sinh học và xử lý bổ sung nước thải của FHS. Hồ sinh học có diện tích 10 ha, tổng thể tích nước 127.000 m 3 , lưu được lượng nước thải từ 3 - 4,5 ngày. Chức năng của hệ thống hồ sinh học là lưu nước thải; cảnh báo sớm để kịp thời ứng phó khi có sự cố; bơm nước thải trở về trạm xử lý nước thải để xử lý lại khi có sự cố xảy ra; xử lý bổ sung nước thải trước khi xả ra biển. Viện Công nghệ môi trường đã đặt 05 trạm khảo sát thủy động lực và môi trường, kết quả khảo sát tại tất cả các trạm đều đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy các trạm xử lý nước thải của khu liên hợp gồm trạm xử lý nước thải sinh hoạt, trạm sinh hóa, trạm xử lý nước thải công nghiệp và hệ thống hồ sinh học đang vận hành ổn định, chất lượng nước luôn đạt tiêu chuẩn xả thải; công tác quản lý chất lượng nước được kiểm soát chặt chẽ. Ông Hoàng Dật Thuyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, Công ty đang xây dựng kế hoạch tái sử dụng nước thải đạt quy chuẩn phục vụ mục đích tưới cây xanh, tưới vào các bãi vật liệu hay sử dụng trong nhà máy điện.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Dương Tất Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Tổng cục Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phối hợp với các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá, luận giải về những ưu, nhược điểm của từng phương pháp xả thải, trên cơ sở đó có kết luận mang tính khoa học. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học tiếp tục phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa phương để tiếp tục hoàn thiện quy trình xử lý chất thải, nước thải của doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ tỉnh nâng cao khả năng, trình độ giám sát việc xử lý chất thải không chỉ tại FHS mà còn phục vụ giám sát các dự án khác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo Dương Trí Thức/https://hatinh.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn