Sau ba năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, hầu hết các nhiệm vụ đã được thực hiện theo lộ trình đề ra. Đến nay, các Bộ, ngành và địa phương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thành 21/34 nhiệm vụ nghiên cứu các đề án, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; 5 nhiệm vụ được lồng ghép trong các nhiệm vụ khác đã hoàn thành hoặc đang triển khai. Cùng đó là đổi mới đầu tư công theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư (BOT, BT, BO, PPP), tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước vào kết cấu hạ tầng.
Một số công trình giao thông quan trọng được nâng cấp và hoàn thành, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Nhiều dự án hạ tầng năng lượng đã được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều công trình hạ tầng các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể thao, du lịch… được tập trung đầu tư xây dựng.
Hạ tầng trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự phát huy tác dụng, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Tính đến hết năm 2014, ước tính có 785 xã trong cả nước đạt chuẩn (8,8%).
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nghị quyết vẫn đang gặp không ít khó khăn: Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm làm kéo dài tiến độ thi công các công trình phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư; nhiều công trình hạ tầng đã xuống cấp, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thuỷ lợi... cần tiếp tục được đầu tư cải tạo và nâng cấp nhưng không đảm bảo kinh phí cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng và giảm năng lực khai thác…
Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động bám sát nhiệm vụ của Nghị quyết 13/NQ-CP xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các nội dung nghị quyết, phát triển hài hòa, đồng đều các lĩnh vực.
Điểm cầu Hà Tĩnh |
Sau 2 năm, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt; mọi nguồn lực đầu tư được huy động, tăng cường xã hội hóa đầu tư, thu hút mạnh đầu tư từ doanh nghiệp, dân cư; tạo bước đột phá về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nhiều công trình dự án kết cấu hạ tầng quan trọng được triển khai và đẩy nhanh tiến độ như các công trình dự án trọng điểm quốc gia thuộc hạ tầng khu kinh tế, giao thông, thủy lợi, điện, cảng biển.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh ước đạt gần 287 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần giai đoạn 2006-2010; đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn NSNN và TPCP trong giai đoạn này đạt 35,325 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp thu, để xác định nhiệm vụ cụ thể giao cho từng bộ, ngành, địa phương, tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của nghị quyết. Trong điều kiện khó khăn chung, lạm phát tăng cao, đầu tư công giảm mạnh, các đơn vị đã có chính sách thu hút đầu tư xã hội, xây dựng hạ tầng. Các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực, bộ mặt thành thị và nông thôn đều có nhiều khởi sắc, góp phần phát triển KT-XH, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo QP-AN.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thời gian tới, huy động tối đa các nguồn lực tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng hạ tầng; tiếp tục rà soát, cập nhật, nâng cao chất lượng các quy hoạch/đề án phát triển, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và các nguồn lực, nâng cao tính khả thi của các chiến lược và quy hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng; riêng Bộ TN&MT, cần triển khai nghiên cứu, giải quyết những vấn đề, vướng mắc trong công tác GPMB...
Dương Chiến
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn