Bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh Hà Tĩnh mới đạt 4,1 tiêu chí/xã, không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí.
Tuy nhiên, sau 5 năm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đến nay Hà Tĩnh đã có 26 xã đạt chuẩn, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.
Vạn sự khởi đầu
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 80% dân số làm nông nghiệp. Vì thế khi bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM, Hà Tĩnh luôn đặt tiêu chí nâng cao thu nhập người dân lên hàng đầu để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng, xây dựng NTM không phải chỉ ngày một ngày hai là làm được. Đây là cuộc cách mạng lâu dài, trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, nhân dân thực hiện. Và quan trọng nhất là ở một tỉnh “chảo lửa”, đại bộ phận người dân làm nông nghiệp như Hà Tĩnh thì giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp được coi là giải pháp then chốt trong thực hiện Chương trình NTM.
Năm 2011, khi bắt tay xây dựng NTM, tỉnh kịp thời ban hành đồng bộ hệ thống các quy hoạch, đề án, chính sách và tập trung chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi mô hình kinh tế tăng trưởng theo hướng “DN hóa sản phẩm, liên kết hóa SX và xã hội hóa đầu tư” theo chuỗi liên kết vừa tập trung, vừa phân tán.
Đồng thời, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào SX thông qua DN, tạo ra nhiều sản phẩm có quy mô lớn đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả SX kinh doanh.
Chương trình "Nông thôn ngày mới" tổ chức tại xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà
Kết quả, sau 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã hình thành mới gần 6.000 mô hình kinh tế SX kinh doanh hiệu quả, mang tính đột phá, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các tiêu chí; chất lượng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản, bình quân đạt 5,46%/năm; giá trị SX trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu/ha (tăng 1,6 lần so với năm 2010); nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò “trụ đỡ” cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế-xã hội. “Phải khẳng định rằng đề án xây dựng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực đã hình thành nhiều mô hình tăng trưởng mới về quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cao góp phần đưa ngành nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển bền vững”, ông Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Đổi thay toàn diện
Báo cáo mới nhất từ Văn phòng Điều phối NTM cũng cho biết, những năm vừa qua Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút các DN lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Điển hình phải kể đến hai doanh nghiệp đó là Tổng Cty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) và Cty C.P Việt Nam. Đây là hai đơn vị được xem như “bà đỡ” giúp ngành chăn nuôi Hà Tĩnh đột phá một cách ngoạn mục.
Theo đó, các Cty trên từng bước chuyển giao công nghệ SX giống lợn siêu nạc từ Thái Lan về Hà Tĩnh, ứng dụng kỹ thuật nuôi công nghiệp; thực hiện tái cơ cấu đàn lợn giống theo hướng tạo dòng sản phẩm đồng nhất có năng suất chất lượng cao, góp phần đưa tỷ lệ nái ngoại đạt 25% trong tổng đàn nái (tăng 3,5 lần so với năm 2010); phát triển nhanh gia trại, trang trại quy mô lớn, liên kết với DN phát triển 134 cơ sở chăn nuôi quy mô từ 300 đến 6.000 con/lứa.
Ngoài ra, phong trào chăn nuôi nông hộ cũng được tổ chức lại theo hướng an toàn, bền vững; hình thành 134 tổ hợp tác, 2 HTX chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với DN với trên 1.600 hộ tham gia, từng bước bảo đảm nguyên liệu, phát huy hiệu quả hệ thống nhà máy chế biến súc sản Mitraco.
Ngoài chăn nuôi lợn, Hà Tĩnh còn chuyển mạnh chăn nuôi bò đàn theo Chương trình Zêbu hóa đàn bò, đưa tỷ lệ bò lai Zêbu đạt 37,5% tổng đàn; thử nghiệm thành công chuỗi liên kết SX thịt bò chất lượng cao.
Phát triển rau củ quả trên các vùng đất cát ven biển do
Tổng Cty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh làm chủ đầu tư cho hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển rau củ quả trên các vùng đất cát ven biển do Tổng Cty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh làm chủ đầu tư cho hiệu quả kinh tế cao “Để có nguyên liệu SX theo chuỗi, vừa qua tỉnh đã kết nối nhiều DN lớn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… nhập mới 1.500 con bò nái ngoại để lai tạo phát triển đàn bò thịt trên diện rộng”, ông Sơn cho biết thêm. Hiện nay, Tổng Cty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh đang từng bước đẩy nhanh tiến độ liên kết cùng nông dân để phát triển đàn bò đến năm 2017 đạt 20.000 con bò thịt chất lượng cao. Một đối tượng nuôi khác cũng được Hà Tĩnh chú trọng phát triển đó là nghề nuôi hươu sao.
Đây là loài động vật hoang dã được thuần hóa đưa lại lợi ích kinh tế rất cao. Hiện tổng đàn hươu toàn tỉnh đạt trên 35.500 con (tăng 46,5% so với năm 2010), phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt trên 100.000 con. Sau gần 5 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí đều tăng lên, bình quân đạt 9,7 tiêu chí/xã. |
Toàn tỉnh có 26 xã đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 38 xã dưới 7 tiêu chí, phấn đấu đến cuối 2015 toàn tỉnh không còn xã dưới 7 tiêu chí. Đối với nuôi trồng thủy sản, mấy năm gần đây nghề nuôi tôm cũng giúp nhiều nông dân hái ra bạc tỷ, với tổng diện tích đạt trên 2.000ha; sản lượng trên 2.700 tấn (tăng 50% so với năm 2010). Trong đó, có những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đạt từ 45-60 tỷ đồng/năm; ngoài ra còn có nhiều mô hình cho nhập từ 10-20 tỷ đồng năm, tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên...
Song song với đầu tư phát triển chăn nuôi, để tạo ra sản phẩm đồng bộ mang tính hàng hóa, Hà Tĩnh còn tận dụng các vùng đất cát hoang hóa ven biển, bãi bồi ven sông để SX rau, củ, quả theo chuỗi liên doanh, liên kết với HTX, tổ hợp tác.
Riêng về cây lúa, ngay khi bắt tay thực hiện công cuộc xây dựng NTM, Hà Tĩnh nhanh chóng cơ cấu lại bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày theo hướng vừa tăng chất lượng vừa đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; tập trung chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, xóa bỏ trà xuân sớm, tăng nhanh trà xuân muộn.
Kết quả cho cho thấy, 5 năm qua Hà Tĩnh liên tục được mùa, góp phần đưa sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt trên 51 vạn tấn; diện tích lúa chất lượng cao là 3.500ha (tăng 300% so với năm 2010).
Ông Đặng Ngọc Sơn cho hay: “Để đạt được những thành công bước đầu trên phải khẳng định những quyết sách mà tỉnh ban hành là hết sức đúng đắn.
Từ chính sách khuyến khích nông dân phát triển SX như: Quyết định 24, 11, 43 cho đến Nghị quyết 90 rồi cả chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Quyết định 26, 23… Tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, góp phần tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người năm 2014 lên gần 20 triệu đồng/năm, các xã đã về đích NTM thu nhập đạt trên 25 triệu đồng/năm”.
Nói về định hướng mục tiêu 2015-2020, ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, Hà Tĩnh quyết tâm đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên đạt 65 triệu đồng, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM với 2 huyện đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 10 tiêu chí.... Anh Bình
Theo nongnghiep.vn