Nông dân Cẩm Xuyên áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng rau trên đất cát hoang hóa
Nông dân đã “thích” bắt tay với doanh nghiệp
Những mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Hà Tĩnh mà chúng tôi có dịp đến thăm đều mới được thành lập, quy mô xã viên nhỏ nhưng hiệu quả hoạt động khá cao. Đặc biệt là những người nông dân đã bắt đầu thay đổi trong tư duy làm ăn bằng việc bắt tay với các doanh nghiệp để có được sự chủ động trong đầu tư cũng như hạn chế rủi ro của thị trường trong đầu ra cho sản phẩm.
Nằm ở vùng đất khô cằn đầy nắng gió của huyện Kỳ Anh, HTX Hoàng Châu (xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất phát điểm chỉ là 1 tổ hợp tác gồm 6 xã viên liên kết làm dịch vụ vận tải hàng hóa phục vụ người dân xã Kỳ Bắc và một số vùng lân cận, thu nhập chỉ 500 ngàn đồng người/tháng.
Chủ nhiệm HTX Hoàng Châu, bà Trần Thị Châu cho biết năm 2012, khi tổ hợp tác của bà đang lay lắt, chuẩn bị tan rã thì được Liên minh HTX Hà Tĩnh tư vấn thành lập HTX, tư vấn phương án sản xuất, hỗ trợ vay vốn, giúp kết nối với Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Mitraco để liên kết hợp tác chăn nuôi lợn nái sinh sản. HTX Hoàng Châu được thành lập với quy mô ban đầu 350 con lợn nái bố mẹ, 6.000 con lợn cai sữa/năm, hoạt động theo mô hình liên kết với Công ty Mitraco Hà Tĩnh. Theo đó, HTX đầu tư hạ tầng kỹ thuật chuồng trại theo thiết kế được công ty phê duyệt, bố trí lao động; Mitraco đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Hiện, HTX thu nhập theo cơ chế khoán sản phẩm chăn nuôi, vì vậy sản xuất rất ổn định. Kết quả, khi mới thành lập HTX chỉ có 7 người góp vốn với 800 triệu đồng, nay đã tăng lên 10 người với số vốn góp gần 6 tỷ đồng. Hiện HTX chăn nuôi với quy mô 350 lợn nái/năm, cung cấp 7.000 con lợn sữa/năm và chăn nuôi 2.400 con lợn thịt/năm, lợi nhuận trung bình đạt 1,2 tỷ đồng/năm.
Hay như HTX Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) được thành lập từ năm 2007 với 30 thành viên tham gia góp vốn. HTX hoạt động chủ yếu là dịch vụ phân bón, sản xuất gạch, lúa gạo, mỗi năm cung ứng khoảng 100 tấn vật tư phân bón đưa về phục vụ cho bà con nhân dân trong xã.
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Nhâm từ năm 2014 HTX đã đi tiên phong trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như thuê ruộng sản xuất vùng lúa chất lượng cao, dùng máy cấy Kubota (Nhật Bản) cấy thí điểm để từng bước vận động các hộ dân cùng tham gia với HTX. Qua 2 vụ sản xuất HTX đã thuyết phục, vận động được 50 hộ liên kết sản xuất trên cánh đồng cùng một loại giống với diện tích 30ha. Hiện, HTX Cẩm Thành đã ký hợp đồng với 3 thôn có 620 hộ tham gia sản xuất mô hình liên kết theo chuỗi với diện tích 94ha được HTX cung ứng đầu vào, thu mua sản phẩm. Mỗi năm HTX thu mua trên 300 tấn thóc xuất bán cho Công ty Thức ăn gia súc ở Hà Nội, còn lúa chất lượng cao chế biến gạo, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhân rộng việc liên kết sản xuất theo chuỗi
Đây chỉ là hai trong số các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự hiện nay, toàn tỉnh có 54 HTX, 25 tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn; trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa; nuôi tôm công nghệ cao; chế biến nông sản, thủy sản.
Ngoài ra, có 10 HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm vào siêu thị Coopmart Hà Tĩnh với trên 50 sản phẩm nông nghiệp; 10 HTX được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu... Nhiều HTX đã thực hiện tốt các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Và theo ông Võ Kim Cự để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với việc xác định các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, từ năm 2011 đến nay đã có nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có các hình thức liên kết một khâu, một số khâu hoặc tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Các HTX nông nghiêp thực sự là một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối liên kết hữu hiệu giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản” - ông Cự cho biết.
Được biết để hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển từ năm 2010, tỉnh đã có nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2010-2015 với những chính sách như hỗ trợ thành lập mới 20-25 triệu đồng/HTX; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ 100% học phí cho các khóa đào tạo dài hạn; hỗ trợ 150 triệu đồng mua xe ô tô chở rác của HTX vệ sinh môi trường; hỗ trợ cho vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX và một số chính sách khác... Bước đầu có thể khẳng định những mô hình HTX kiểu mới đang tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại miền đất này.
Trung Hiếu
theo daidoanket
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn