Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị công ty tăng cường công tác quản lý nội bộ, ổn định bộ máy tổ chức và nhân sự để phát triển các hoạt động SXKD
Sau 17 năm hoạt động, đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã phát triển được hơn 6.202 ha trên địa bàn, trong đó đã thanh lý do các trận bão và ảnh hưởng của Dự án hồ Rào Trổ hơn 1.343 ha. Tính đến cuối năm 2014, đơn vị đã đầu tư tổng nguồn vốn hơn 1.061 tỷ đồng cho phát triển cây cao su và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã khai thác được 10.052 tấn cao su, tiêu thụ được 11.076 tấn (gồm cả thu mua để chế biến và tiêu thụ), tổng doanh thu đạt 799,808 tỷ đồng, lợi nhuận 84 tỷ đồng, nộp ngân sách 16,445 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn tiến hành trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích gần 1.334 ha, đã khai thác hơn 249 ha, doanh thu đạt 6,333 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,143 tỷ đồng…
Đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, công tác quản lý đất đai và bảo vệ rừng |
Trong quá trình phát triển cây cao su, doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho gần 1.700 lao động, 400 hộ nhận khoán chăm sóc, khai thác, trồng rừng cùng hàng trăm lao động mùa vụ khi nông nhàn.
Công ty cũng đã đầu tư xây dựng hàng trăm km đường nhựa, đường bê tông, đường lâm nghiệp, đường điện để phục vụ sản xuất của đơn vị cũng như phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng dự án. Bên cạnh đó, công ty còn luôn chú trọng đến việc hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo, nâng cao sinh kế, giữ vững ANTT…
Liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đai, công ty được giao quản lý và sử dụng gần 13.245 ha, trong đó có gần 420 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất và số diện tích có rừng hiện nay là trên 10.130 ha. Công tác quản lý đất, bảo vệ rừng đã được tăng cường bằng nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ.
Theo định hướng phát triển đến năm 2020, doanh nghiệp sẽ sẽ tập trung xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp với thực tiễn và tình hình chung của kinh tế khu vực, thế giới và điều kiện của mình. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện đúng lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo đề án tái cấu trúc công ty, xây dựng phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng.
Doanh nghiệp phấn đấu trồng mới khoảng 100 – 1.000 ha cao su, nhất là trồng lại diện tích bị thanh lý do thiên tai; đến năm 2020, có khoảng 4.040 ha với sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm; khai thác gần 528 ha rừng nguyên liệu, tương đương khoảng 4.500 m3 gỗ nguyên liệu…
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị công ty cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền vận động trong bảo vệ và phòng chống cháy rừng, hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm, sẻ phát trái phép; tăng cường công tác quản lý nội bộ, ổn định bộ máy tổ chức và nhân sự để phát triển các hoạt động SXKD; hạn chế tối đa tác động từ việc xử lý các cá nhân sai phạm đến hoạt động của doanh nghiệp, đến đời sống của người lao động; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng đất…
Tiến Phúc
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn