Đầu những năm 2000, thời kỳ Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo “sống” khỏe nhất thì KKT Vũng Áng vẫn đang chập chững “tập đi”. Nguồn thu ngân sách từ KKT của Hà Tĩnh chủ yếu do Cầu Treo đảm nhận. Được chừng gần chục năm thì Cầu Treo lâm cảnh khó khăn, còn Vũng Áng vươn mình mạnh mẽ.
Cột mốc đầu tiên là “đại” dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa đầu tư giai đoạn 1 vào năm 2008. Đây chính là dự án “có một không hai” mang tính đột phá thức tỉnh KKT Vũng Áng đã “ngủ quên” nhiều năm. Ngay sau đó, hàng loạt dự án phụ trợ khai thác tiềm năng về cảng biển, luyện cán thép và năng lượng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai.
Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, KKT Vũng Áng được xác định là khu kinh tế trọng điểm nên gần 10 năm qua Hà Tĩnh phát động nhiều chương trình hành động, ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như: giải phóng mặt bằng (GPMB), xử lý thủ tục hành chính, chính sách lao động, xây dựng công trình ngoài hàng rào... để thu hút các nhà đầu tư.
Ông Dương Tất Thắng cho rằng KKT Vũng Áng sẽ là “trung tâm” kết nối liêng vùng, liên quốc gia trong phát triển kinh tế |
Trong số những chính sách nêu trên, “khó nhằn” nhất là công tác GPMB. Để bàn giao đất “sạch” cho 118 dự án đang còn hiệu lực tại KKT Vũng Áng, cả hệ thống chính trị phải căng mình vận động, tuyên truyền, đả thông tư tưởng cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Ngay sau đó, hơn 2.000ha trên đất liền được giải phóng bàn giao cho Cty Formosa triển khai dự án; giải phóng, bàn giao gần 100ha cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1; hơn 200ha cho KCN Phú Vinh; hơn 100ha cho KCN Vũng Áng 1... Cũng từ đây, thị xã “chảo lửa, túi mưa” phía nam Hà Tĩnh chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn một vươn lên thành phố công nghiệp - dịch vụ, thương mại - du lịch, là đô thị động lực vùng Bắc Quảng - Nam Hà.
“Hiện KKT Vũng Áng đang có 6.000/22.000ha quy hoạch thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó, hơn 700ha mặt bằng đã giải phóng cơ bản “sạch”. Hạ tầng tại các KCN Vũng Áng I; KCN Phú Vinh, Khu liên hợp cảng biển nước sâu Sơn Dương và gang thép Formosa đã xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại, đủ sức đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực thép, hậu thép và cảng nước sâu”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi vào hoạt động hiệu quả hơn 2 năm nay |
Tại KKT Vũng Áng đang có 118 dự án còn hiệu lực. Trong đó, 70 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 48.329,8 tỷ đồng và 49 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư đăng ký 11.899,3 triệu USD. Dẫn đầu là nhà đầu tư các nước Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc. Từ đầu năm 2017 đến nay, Hà Tĩnh chấp thuận 5 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 1.600 tỷ đồng; ra quyết định chấm dứt hoạt động, thông báo hết thời hạn hoạt động đối với 8 dự án. |
KCN Phú Vinh đặt tại vị trí đắc địa thuộc 2 phường Kỳ Liên và Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh quy mô 200ha. Đây là dự án sản xuất, gia công các sản phẩm sắt thép; ngành điện cơ; cơ ký chế tạo máy; vật liệu xây dựng kết hợp khu thương mại dịch vụ (25ha) do Cty TNHH đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh triển khai, với tổng mức đầu tư trên 20 triệu USD. Theo lãnh đạo Cty Phú Vinh, doanh nghiệp đặt tiêu chí thân thiện môi trường lên hàng đầu nên rất tôn trọng và thường xuyên gia cố vững chắc các hệ thống khe suối, mương máng tự nhiên trong khu vực dự án. Hiện doanh nghiệp đang xây dựng khu xử lý nước sạch; khu xử lý nước thải trong KCN, kết nối online với cơ quan chức năng để giám sát việc xả thải ra môi trường.
Ông Dương Tất Thắng cho rằng, lợi thế lớn nhất của KKT Vũng Áng là cảng nước sâu “có một không hai” trong khu vực Bắc Trung bộ.
Theo đó, độ sâu cảng Vũng Áng từ 11 – 14m; cảng Sơn Dương từ 21 – 24m; ít bị bồi lắng, khối lượng nạo vét hàng năm rất thấp. Tiếp đến là quy hoạch phát triển KKT dài hơi mang tính bền vững của tỉnh. Thứ ba là chính sách hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính và GPMB; đầu tư cơ sở hạ tầng...
Những lợi thế trên giúp các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng, mạnh dạn đầu tư các dự án “đáng đồng tiền bát gạo”. Hơn nữa, khi thu hút đầu tư vào KKT, mục tiêu Hà Tĩnh đặt ra không chỉ để thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi địa phương mà còn tạo thành “trung tâm” kết nối liên vùng, liên quốc gia trong xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa giữa Hà Tĩnh với các tỉnh trong khu vực như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh với các quốc gia Lào, Thái Lan, Mianmar...
Tàu hàng 50 nghìn tấn thường xuyên ra vào cảng Vũng Áng - Việt Lào |
Giai đoạn 1 dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, Cty Formosa đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD) xây dựng 11 cầu cảng. Theo lộ trình, năm 2018 cảng Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu 300 nghìn tấn ra vào. Còn cảng nước sâu Vũng Áng, hiện đã thi công xong cầu cảng số 1, số 2, tàu trọng tải 50 nghìn tấn có thể ra vào bốc dỡ hàng hóa. Cty CP cảng Hoành Sơn đang gấp rút triển khai xây dựng cầu cảng số 4. Mới đây nhất (ngày 27/9) một Tập đoàn đến từ Singapore cũng đã khởi công xây dựng cầu cảng số 5, số 6 với giá trị 2.100 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2018 chuỗi cảng tổng hợp sẽ hoàn thành đi vào vận hành.
Khi chuỗi cầu cảng này đi vào khai thác, chắc chắn hàng hóa trong KKT sẽ không đáp ứng đủ công suất, vì vậy Hà Tĩnh đang xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng, liên quốc gia để tăng nguồn thu. Hiện đã có doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc công bố khảo sát xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) – Vũng Áng với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, kết nối Đông Bắc Thái Lan và Lào thông qua cảng Vũng Áng (con đường ngắn nhất ra biển Đông). Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có chủ trương nâng cấp tuyến đường Vũng Áng – Khăm Muộn (Lào). Mở rộng quy mô dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Bãi Vọt đến tỉnh Quảng Bình.
Đối với ngành luyện cán thép, giai đoạn 1 Cty Formosa dự kiến sản xuất 7,5 triệu tấn thép/năm. Theo kế hoạch đến hết năm 2017 sản lượng thép sản xuất ước đạt 1,5 triệu tấn, dự kiến quý 1/2018 sẽ vận hành lò sao số 2 để đạt công suất thiết kế 6 - 7 triệu tấn/năm. Khi nhà máy thép hoạt động ổn định sẽ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp phụ trợ, hậu thép như ô tô, cơ khí, chế tạo... sản xuất theo chuỗi. Trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào logistics (gồm: hậu cảng, cảng biển, hậu cảng vận tải, đóng gói, xuất nhập khẩu...). Hình thành cụm công nghiệp do tư nhân đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng đã ký biên bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp CHLB Đức, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Đức – Việt, chuyên sản xuất đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, bao bì, công nghiệp phụ trợ, chế tạo chế biến...
Khu công nghiệp Phú Vinh, một trong những dự án đầu tư trong giai đoạn khó khăn nhất của KKT Vũng Áng |
Ngoài 2 lĩnh vực chiến lược trên, Hà Tĩnh cũng đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo tại KKT Vũng Áng như: điện mặt trời, điện gió và điện sinh học. Thời điểm này tỉnh đã chấp thuận cho một doanh nghiệp khảo sát khai thác điện gió tại khu vực Đèo Ngang; đồng thời, làm hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy điện mặt trời công suất 50MW. Riêng điện công nghiệp, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã hòa lưới điện Quốc gia với công suất 1.200MW.
Chung quy lại, mỗi ngành nghề, lĩnh vực hoạt động đều có phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Tuy nhiên, để tạo nên một con số đóng góp thực tế, cụ thể, “khủng” như KKT Vũng Áng thì hoàn toàn chưa có. Từ thắng lợi này cũng không ngoa khi nói rằng KKT Vũng Áng chính là “cú hích” giúp Hà Tĩnh xác lập “kỷ lục” tăng thu ngân sách từ 18 tỷ đồng (năm 1991 – năm Hà Tĩnh tái lập tỉnh) lên 12.000 tỷ (năm 2015).
Tính đến cuối tháng 9, thu ngân sách tỉnh Hà Tĩnh đạt 6.000/7.700 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 4.000 tỷ, thu XNK 2.000 tỷ đồng (riêng thuế nhập khẩu qua cảng Vũng Áng đạt hơn 1.720 tỷ đồng). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn