Buổi sáng mùa hạ, nắng vàng như mật đổ xuống cánh đồng, quyện lẫn với sắc vàng óng của lúa chín tạo nên bức tranh quê hiền hòa. Ra đồng từ khi mặt trời chưa ló dạng, lúc chúng tôi đến, gia đình chị Ngô Thị Xuân (xóm Đông Sơn, xã Mai Phụ, Lộc Hà) đã gặt xong nửa sào ruộng giống khang dân 18.
Các xã của huyện Lộc Hà, Can Lộc là những địa phương vào vụ gặt sớm |
Chị Xuân cho biết: “Vụ xuân này, gia đình tôi làm 5 sào, với giống khang dân 18 và X. Hôm nay là ngày gặt đầu tiên, cũng may chưa phải thời điểm gặt rộ nên dễ mượn công chị em cùng xóm. Cánh đồng này đến chiều là gọn, khoảng 5-7 ngày nữa sẽ tập trung thu hoạch trà tiếp theo”. Việc thu hoạch như một dây chuyền nhịp nhàng, người gặt lúa, người gom thành từng bó lớn rồi gùi lên bờ, chờ xe chở về làng. Những chiếc nón lá nhấp nhô, chở che tấm lưng ướt đẫm mồ hôi giữa cái nắng tháng 5 gay gắt như đổ lửa. Trên khuôn mặt lấm lem bùn đất của người nông dân lấp lánh niềm vui ngày mùa.
Cách đó không xa, cánh đồng Đập Xạ, Thạch Mỹ cũng đang rộn rã bước vào mùa gặt mới. Là vùng “tử địa”, sản xuất nông nghiệp đã khó khăn, năm nay, vụ xuân bất thuận, cứ ngỡ những cánh đồng này, chẳng còn hy vọng. Tuy nhiên, cuối vụ xuất hiện mưa lớn, bổ sung nước vào chân ruộng.
Vụ xuân năm nay, Can Lộc huy động 26 máy gặt đập liên hợp và hàng trăm máy gặt nhỏ để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch |
Bà Phan Thị Kiệm (xóm Hữu Ninh) chia sẻ: “Trước đây, cả cánh đồng mênh mông này đều là giống IR 1820. Đến mùa thu hoạch, nếu không bị nắng đốt cháy thì sâu bệnh cũng “gọt” trụi. Từ 2 năm nay, thực hiện chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, chúng tôi chuyển sang sản xuất TH3-3, năng suất khá hơn hẳn, lại cho thu hoạch sớm hơn nhiều. Có như vậy, chúng tôi mới tranh thủ thời gian để gieo cấy lúa hè thu, tránh được hạn hán đầu vụ. Chỉ vài ngày nữa là có thể bắt tay vào bắc mạ hè thu”.
Là vựa lúa của tỉnh, những đồng lúa chín trải dài mênh mông, nối liền Đức Thọ sang Can Lộc rực sắc vàng trong nắng. Vừa “chạm ngõ” quê hương Xô viết, chúng tôi đã nghe âm thanh ầm ù quen thuộc của những con “trâu sắt”. Tận dụng lợi thế về cơ giới hóa, đây là lúc các loại máy móc được huy động tối đa chạy đua với thời vụ.
Tranh thủ nghỉ ngơi, ông Trần Sỹ Cảnh, chủ máy gặt đập liên hợp, xã Khánh Lộc (Can Lộc) cho biết: “Máy chạy từ 4h sáng đến giờ đấy chị ạ, đã làm một ca ở Đồng Lộc rồi, bây giờ lại về Khánh Lộc. Vào thời điểm này, các xã vùng hạ Can đang thu hoạch tỉa, do vậy, máy móc tập trung lên vùng thượng là chính. Khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ, máy chạy cả đêm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con”.
Nhiều năm nay, Can Lộc xây dựng cánh đồng một trà, một giống nên việc đầu tư cho cơ giới hóa được đẩy mạnh. Đến thời điểm này, toàn huyện Can Lộc có gần 30 máy gặt đập liên hợp, vào cao điểm của mùa vụ, nhiều địa phương còn chủ động hợp đồng với các chủ máy ở tỉnh bạn để đẩy nhanh tiến độ. Nếu thời tiết thuận lợi, toàn bộ 9.100 ha lúa vụ xuân sẽ thu hoạch gọn trong vòng 7-10 ngày.
Niềm vui được mùa |
Đức Thọ đang là địa phương đứng thứ hai toàn tỉnh (sau Can Lộc) về tiến độ thu hoạch với hơn 300 ha (5% tổng diện tích). Vụ xuân 2015, toàn huyện sản xuất hơn 6.300 ha thì 80% là lúa chất lượng cao, sản xuất theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, HTX từ khâu sản xuất đến đầu ra sản phẩm. Ông Nghiêm Sỹ Đông, phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “So với năm ngoái, lúa xuân năm nay thu hoạch sớm hơn 5-7 ngày. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc làm đất, chuẩn bị bắc mạ hè thu sớm hơn. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo xuống lịch bắc mạ cho trà hè thu chạy lụt và khoảng 5 ngày nữa sẽ là trà thâm canh”.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 5% diện tích lúa xuân (hơn 2.500 ha), chủ yếu là vùng chạy lụt, hoặc một số loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn như: P6, TH3-3. Khoảng 1 tuần nữa, lúa xuân vào mùa thu hoạch rộ, các địa phương đang dồn sức chạy đua cùng thời vụ, quyết tâm hoàn thành vào cuối tháng 5.
Theo: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn