Về truyền thống văn hóa, Hà Tĩnh nổi tiếng với nhiều làng văn hoá, khoa bảng như làng Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá... Đây là quê hương của các danh nhân lịch sử của đất nước như: Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích tinh thông sử học; Nguyễn Thiếp giỏi lý học; Lê Hữu Trác được gọi là "Thần y"; Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang tế thế; Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng với khí tiết xả thân vì dân tộc; Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch, Phan Nhật Tĩnh những nhà giáo xuất sắc; đặc biết là Đại thi hào Nguyễn Du – đã để lại những áng thi văn bất hủ của muôn đời cho hậu thế... Thời hiện đại, vùng đất này cũng là nơi sinh ra các danh nhân như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đình Tứ và nhiều tên tuổi lớn khác... Đây cũng là cái nôi của truyền thống cách mạng, đã sinh ra cho tổ quốc biết bao chí sỹ, trong đố nổi bật là cố Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập.
Hà Tĩnh là tỉnh có đông đồng bào theo các tôn giáo, chủ yếu là Công giáo và Phật giáo ngoài ra còn một số người theo đạo Tin lành với số tín đồ hiện nay là 154.848 (chiếm trên 12% dân số toàn tỉnh); có 307 cơ sở thờ tự (231 nhà thờ, nhà nguyện, tu viện; 73 chùa).
Riêng đạo Công giáo, Hà Tĩnh là 1 trong 15 tỉnh, thành phố có số lượng tín đồ đạo Công giáo đông nhất toàn quốc, hiện nay có 6 giáo hạt, 58 giáo xứ, 231 họ đạo, 3 tu viện thuộc dòng Mến Thánh giá Vinh, ngoài ra còn một số cơ sở, nhóm nữ tu Dòng Mến Thánh giá, Dòng Bác ái. Hiện nay toàn tỉnh có 56 linh mục và hơn 150 nữ tu ở các cơ sở dòng, nhóm nữ tu, có 149.273 giáo dân, chiếm 11,5% dân số, có 131/262 xã, phường, thị trấn có đông giáo dân và có 461 khu dân cư vùng giáo, trong đó 114 vùng giáo toàn tòng..
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp và sự động viên, hướng dẫn của Ủy ban đoàn kết Công giáo các cấp, sự đồng hành của các chức sắc, chức việc, Người Công giáo Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương .
Thời kỳ đầu chống thực dân Pháp: Người Công giáo Hà Tĩnh cũng đóng góp những vị linh mục giàu lòng yêu nước như Linh mục Ðậu Quang Lĩnh (huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) là bí thư Tòa Giám Mục; Linh mục Lê Sương Huệ ( huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)... đã bị Pháp kết án khổ sai, bị đày ra Côn Ðảo, nhưng những sự hy sinh, những đóng góp cho Tổ quốc, cho nhân dân của các vị đã được lịch sử, tổ quốc, nhân dân và Giáo hội ghi nhận. Đồng thời đây cũng là bằng chứng hùng hồn cho lòng yêu nước thương nòi, yêu tổ quốc, căm thù giặc của tất cả con dân Hà Tĩnh nói riêng và công dân Việt Nam nói chung, đều tự hào vì một Tổ quốc, không phân biết dân tộc, tôn giáo.. đều chung một lý tưởng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay bảo vệ tổ quốc, xây dựng “thiên đường” trên quê hương, đất nước.
Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại, người công giáo Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, động viên con em tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước và để lại một phần xương máu trên chiến trường. Nước nhà đã thống nhất, hiện nay đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới mà trọng tâm là sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển; đồng bào Công giáo Hà Tĩnh rất đổi tự hào, phát huy truyền thống yêu nước, đồng sức đồng lòng cùng nhân dân toàn tỉnh xây dựng quê hương vì mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thời gian vừa qua, đồng bào Công giáo hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, mạnh dạn chuyển đổi mùa vụ, cây trồng vật nuôi, nhất là các loại giống cây, giống con có năng suất chất lượng cao, phát triển kinh tế trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, điển hình như các giáo xứ, giáo họ thuộc các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà nhiều năm liên tục đạt năng suất 12- 13 tấn/ha/năm, lương thực bình quân đầu người 600- 700 kg/người/năm. Vùng giáo thuộc miền núi như Gia Phố, Tràng Lưu, Tân Hội (Hương Khê); giáo xứ Kim Cương (Hương Sơn) đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xoá bỏ vườn tạp, xây dựng vườn kinh tế, trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án 327, phát triển kinh tế theo mô hình VACR đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giáo dân vùng ven biển: Nhượng Bạn, Vĩnh Phước (Cẩm Xuyên), Dinh Cầu, Dụ Lộc, Quý Hoà (Kỳ Anh); An Nhiên, Lộc Thuỷ (Thạch Hà) phát triển nuôi trồng thuỷ sản cho thu nhập mỗi hộ bình quân 50 triệu đồng/năm. Nhiều xứ đạo phát huy ngành nghề truyền thống như Làng Mộc ở xứ đạo Tràng Đình, Làng Nề ở Giáo họ Tân Vĩnh (Can Lộc), chế biến hải sản ở Giáo xứ Trung Nghĩa (Lộc Hà) đều thu hút hàng trăm lao động có việc làm ổn định quanh năm. Phát triển nghề công nghiệp, dịch vụ như công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Tuấn ở thi trấn Xuân An doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng, đóng nộp ngân sách vượt kế hoạch. Kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định và có tích luỹ, người Công giáo đã cùng với cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng như đường nhựa, đường bê tông, kênh mương, cầu cống, trường học, nhà trẻ, đến nay đường ô tô đã về các Xứ Họ đạo. Nhiều vùng giáo đã nhựa hoá, bê tông hoá đường giao thông phục vụ thuận tiện cho sinh hoạt của giáo dân. Bộ mặt nông thôn vùng giáo ngày càng khang trang đổi mới, qua điều tra khảo sát vùng giáo toàn tỉnh có 791 hộ thu nhập 30- 40 triệu đồng/năm, 484 hộ thu nhập 40- 50 triệu đồng và nhiều hộ thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Phong trào chăn gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi lợn hướng nạc, bào lai Sind và nái sinh sản cũng được bà con giáo dân hướng ứng. Giáo dân nhiều họ đạo như: Tân Thành (Sơn Lâm), họ đạo Đức Vọng, Họ Quát (Sơn Giang), họ Tịnh Dy (Sơn Diện), họ Họ Khe Chè ở Hương Sơn mỗi hộ thường xuyên có từ 15 – 20 con Hươu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nỗi lên một số cá nhân điển hình như anh Dâng, anh Thạch ở Giáo xứ Chân Thành (thành phố Hà Tĩnh) bước đầu phát triển chăn nuôi lợn hướng siêu nạc từ 20 – 50 con, mỗi năm xuất chuồng 3 đợt cho thu nhập khá. Mô hình lai tạo đàn bò vàng trắng ở họ giáo Phương Mỹ (Can Lộc) đang phát triển, đàn lợn siêu nạc với quy mô 50 – 100 con/hộ và mô hình này đang được nhân rộng nhiều nơi ở các xóm giáo của Giáo xứ Thượng Bình (Hương Khê). Đặc biết mô hình kinh tế vườn đồi, phủ xanh đất trống đồi trọc đang được phát triển khá bền vững ở nhiều vùng giáo ở Hương Khê, Hương Sơn và vùng ven núi của các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên kết hợp mô hình kinh tế trang trại cây trồng, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích sử dụng. Phong trào trồng cây của giáo dân phát triển mạnh ở các vùng giáo ven biển như Giáo họ Thu Chỉ, Làng Khe (Thạch Hà).
Ngành nghề kinh tế biển đáng chú ý như nghề nuôi tôm, cua có thu nhập cao, phát triển mạnh ở các vùng giáo An Nhiên (thành phố Hà Tĩnh); Thanh Thủy, Tiến Thủy, Xuân Tình (Thạch Hà); Dụ Lộc, Quý Hòa (Kỳ Anh) nhiều hộ giáo dân cho thu nhập cao góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của nhân dân.
Một bộ phận giáo dân năng động đã trở thành những doanh nhân làm ăn phát đạt trên nhiều lĩnh vực, đóng góp nhiều cho xã hội. theo Ông Nguyễn Văn Lân – Chủ tịch Hội doanh nhân người Công giáo của Giáo phận Vinh cho biết: hiện nay trong Giáo phận có 250 doanh nhân làm ăn thành đạt, có nhiều đống góp cho xã hội, trong đó Hà Tĩnh có 30 doanh nhân tiêu biểu, có thể kể đến một số tên tuổi như Công ty TNHH Trung Anh, Công ty Phước Lộc (Kỳ Anh); Công ty TNHH TM Lâm Sản Hoàng Anh, Doanh Nghiệp Đức Tài, Doanh nghiệp Phú Khánh, Hường Phú (Hương Khê); Công ty Xuất nhập khẩu Châu Tuấn (Nghi Xuân), Công ty TNHH Hoàng Ngọc, Doanh nghiệp Phạm Toản, Doanh nghiệp Thịnh Yên (Can Lộc).... đều duy trì phát triển thường xuyên tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, đem lại thu nhập từ 2 – 2,5 triệu động/người/tháng.
Công ty CP Xây Dựng Sông Ba
(doang nghiệp người Công giáo thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh)
Trên một số phong trào khác, Uỷ ban ĐKCG cùng với chính quyền, Mặt trận các cấp đã vận động người Công giáo Hà Tĩnh tích cực tham gia và có sự đóng góp không nhỏ như:
Về lĩnh vực giáo dục, nâng cao dân trí đã được các vị linh mục phối hợp tích cực, hiện nay con em vùng giáo đã được phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Số học sinh THPT tăng cả số lượng và chất lượng. Trong 5 năm qua đã có 647 học sinh đậu Đại học, 1184 đậu Cao đẳng. Tiêu biểu cho phong trào đó là con em vùng Giáo các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh. Con em vùng giáo học tập tốt, lao động tốt, yêu thầy, mến bạn, không có tệ nạn trong học đường, góp phần xây dựng trường học, lớp.
Về phong trào ngói hóa, xóa nhà tranh tre dột nát, hiện nay trong vùng giáo không còn nhà tranh tre dột nát, tỷ lệ hộ giáo dùng điện đạt 100%. Công tác giao thông nông thôn, thuỷ lợi nộng đồng đều được bà con giáo dân tham gia tích cực khi có chủ trương ở địa phương phát động như Giáo dân xứ Trại Lê (Quang Lộc, Can Lộc) đóng góp làm được 2 Km đường bê tông giá trị 300 triệu đồng, Linh mục quản xứ giúp đỡ 100 triệu đồng, Giáo xứ Ninh Cường (Gia Phổ, Hương Khê) đã bê tông hoá 100%. Giáo dân các xứ, họ đạo huyện Thạch Hà năm qua đào đắp được 75.537 m2 đất, đóng góp 98.723 ngày công, nâng cấp 7,3 km, phát quang mở rộng 62 km, làm bê tông cứng 8,2 km, tiêu biểu có họ Giáo Xuân Hải (Thạch Bằng, Thạch Hà), làm 2 km đường bê tông và đầu tư 20 triệu đồng xây dựng Hội quán…
Về phong trào từ thiện, nhân đạo, xã hội: hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ tỉnh đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp của chức sắc, tín đồ Công giáo như Giáo dân Giáo xứ Trung Nghĩa (Thạch Bằng, Thạch Hà) bình quân mỗi hộ ủng hộ 5000 đồng, đồng bào Công giáo thị xã đã đóng góp 25 triệu đồng giúp các hộ nghèo làm nhà, điển hình như Giáo xứ An Nhiên đóng góp 21 triệu đồng, 3000 quyển vở, 30 bộ chăn màn và 1.200 kg gạo giúp nhân dân trong xã gặp khó khăn; như giáo dân Hương Khê đã ủng hộ 256 triệu đồng cho “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin”; linh mục Nguyễn Ngọc Nga, quản xứ Dụ Thành (Kỳ Khang, Kỳ Anh) đã trao tặng 506 suất quà, (mỗi suất trị giá 250 đồng); Hội tình thương (Kỳ Lợi, Kỳ Anh) đã quyên góp được 6 tấn gạo, 200 kg thịt heo và 12 triệu đồng hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn; vùng giáo thành phố Hà Tĩnh đã ủng hộ tết cho người nghèo và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn 150 triệu đồng, Ban đoàn kết Công giáo huyện Can Lộc mua 7 con trâu, bò trị giá 42 triệu đồng cấp cho 7 hộ nghèo; bà con giáo dân các giáo xứ Xuân Tình, Trung Nghĩa, Mỹ Lộc thuộc huyện Lộc Hà vận động đóng góp được 10 triệu đồng và 700 kg gạo cho hàng trăm hộ giáo dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều vị linh mục đã tích cực vận động, quyên góp và đi trực tiếp tiêp ứng lương thực, thức ăn cho nhân dân vùng giáo bị lũ lụt; vùng giáo thành phố Hà Tĩnh đã ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị sóng thần 257 triệu đồng.
Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới ở các xã, thôn, khu dân cư vùng giáo đồng hành tích cực, nổi lên một số điểm hình như Giáo xứ Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), Giáo xứ Kỳ Anh (Kỳ Anh), Giáo họ Ban Long (Can Lộc), đặc biệt là xã Gia Phổ (Hương Khê) có trên 80% giáo dân nhưng là 2 lần được phong danh hiệu xã Anh hùng và 01/11 xã trong cả nước được chọn là xã điểm trong phong trào xây dựng Nông thôn mới.
Cuộc bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIII, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 vừa qua tại Hà Tĩnh cho thấy có tỷ lệ cử tri người Công giáo đi bỏ phiếu cao, nhiều vị linh mục, tu sỹ, giáo dân là những người đi bỏ phiếu đầu tiên, thực hiện tốt quyền công dân tạo không khí phấn khởi trong ngày bầu cử ở các xứ, họ đạo. Nhiệm kỳ HĐND này có 01 vị chức sắc trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 18 giáo dân trúng đại biểu HĐND cấp huyện và 214 giáo dân trúng cử HĐND cấp xã, tất cả các đại biểu là chức sắc, giáo dân đạo Công giáo trung cử vào HĐND các cấp nhiệm kỳ này đều có số phiếu bầu cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn