Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ đã dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình qua các phong trào, nhất là phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Hòa chung vào phong trào chung đó, tại Hà Tĩnh nhiều mô hình sản xuất do phụ nữ thành lập, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH Sao Đại Dương của chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà); HTX Thu mua, chế biến thủy, hải sản Thiên Phú (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) của bà Phạm Thị Nhơn; HTX Thương mại, dịch vụ tổng hợp Hà Trung (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên) của chị Trần Việt Hà; HTX rau sạch Hằng Bảy (xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà) của chị Nguyễn Thị Bảy…
Là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, với những bước đầu gian nan, thách thức, họ đã chứng minh cho nhiều người rằng không có gì không thể làm được, điều quan trọng là phải yêu nghề, luôn biết gồng mình vượt lên mọi khó khăn thách thức.
Sự thất bại về dự án nuôi tôm của Công ty Việt Mỹ khiến nhiều người có ý định sản xuất nghề này thêm hoang mang. Vậy mà nỗi ám ảnh đó không làm nản lòng tới chị Nguyễn Thị Hạnh, người từng là bạn hàng thân thiết nhiều năm liền chuyên cung cấp thức ăn nuôi tôm cho chính Công ty Việt Mỹ. Trước khi tiếp nhận một số diện tích ao hồ của công ty vào năm 2007, chị Nguyễn Thị Hạnh đã nhìn được một phần những nguyên nhân thất bại của Công ty nhưng để hóa giải được điều đó là cả một việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, vật lực và sự quyết tâm cao.
Xác định nghề nuôi tôm trên cát đòi hỏi cần phải có trình độ chuyên môn cao nên chị đã chủ động sắp xếp lại bộ máy nhân sự, ký kết hợp đồng với các kỹ sư chuyên ngành và cán bộ có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm. Tiếp đến, chị đã mạnh dạn vay mượn hàng chục tỷ đồng đầu xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị hiện đại và tập trung nâng cấp cải tạo lại hệ thống 50 ao hồ với diện tích mặt nước 25ha đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công nghệ cao nuôi tôm trên cát. Nhờ vậy, trong những năm qua doanh nghiệp của chị đã đạt được thành công lớn, vươn lên đứng đầu cả tỉnh về nuôi tôm trên cát, năng suất tôm mỗi vụ đạt từ 15 tấn/ha, doanh thu bình quân đạt từ 35-40 tỷ đồng/2 vụ/năm, lãi ròng từ 10-15 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Là người đứng đầu của 1 doanh nghiệp, chỗ dựa tinh thần cho tập thể có hơn 50 lao động, chị Hạnh chia sẻ “Nếu tôi gục ngã thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển doanh nghiệp và đời sống của cán bộ công nhân viên, bởi vậy tôi xác định ngã đâu đứng lên ở đó. Tập hợp đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý để phân tích nguyên nhân, tìm cách khắc phục, từ đó học hỏi các mô hình lớn trên cả nước và tìm ra những phương án mới. Luôn kiên trì không lùi bước”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (nguồn: baohatinh.vn)
Đối với bà Phạm Thị Nhơn, xuất thân từ người chuyên nướng cá, đi bán ở các chợ, với suy nghĩ không để cái đói, cái nghèo đeo bám mãi, năm 2000 bà dành cả gia tài cùng nguồn vốn ngân hàng xây dựng kho đông lạnh đầu tiên. Dù khó khăn về vốn, kỹ thuật… nhưng không cam chịu lùi bước trước những trở ngại, bà tiếp tục xây dựng kho đông lạnh thứ hai với công suất và số vốn lớn gấp đôi cái ban đầu. Và cũng từ đây mở ra phong trào làm khi đông ở làng cá Thạch Kim. Năm 2010, HTX Thu mua, Chế biến thủy, hải sản Thiên Phú ra đời. Bằng nguồn vốn tích lũy, cùng sự hỗ trợ của chính quyền, chính sách hỗ trợ bà cùng một số xã viên khác quyết định xây dựng Nhà máy chế biến bột cá để tận dụng hết các sản phẩm từ biển, tổng vốn đầu tư trên 15 tỉ đồng với dây chuyền chế biến khép kín, hiện đại, công suất tối đa 100 tấn cá tươi tạo ra 30 tấn cá bột khô/ngày đêm. Ngoài ra, còn có thêm 3 kho cấp đông rộng 300 m2 có thể chứa khoảng 35 tấn nguyên liệu. Để tạo nguồn hàng và đầu ra ổn định, bà mạnh dạn mở rộng liên kết với Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc Thiên Lộc và một số Công ty của các tỉnh lân cận.
Hay đến với HTX Thương mại, dịch vụ tổng hợp Hà Trung (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên), hàng loạt các loại rau, củ, quả có giá trị lại sinh sôi, nảy nở bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết khiến bao người không khỏi ngỡ ngàng. Năm 2013, sau khi được Hội Phụ nữ xã cho đi tham quan mô hình trồng rau trên đất cát của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, chị Trần Việt Hà nhận thấy đây là mô hình thiết thực, tận dụng được đất đai hoang hoá bạc màu để tạo ra các sản phẩm rau, củ, quả có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó,chị đã vận động 9 chị em khác thành lập HTX và mạnh dạn chuyển hướng sang trồng rau. Được các cấp chính quyền địa phương chấp thuận cấp cho HTX 12 ha đất để sản xuất, tháng 9/2014 HTX tiến hành khởi công san lấp mặt bằng, lắp hệ thống tưới tự động, đường điện… Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nhưng được sự giúp đỡ của các cấp, HTX nỗ lực từng bước vượt qua những khó khăn, vụ đầu năng suất đạt 20 - 30 tấn/ha, doanh thu từ 100 - 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhờ ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Mitraco nên các thành viên yên tâm sản xuất.
Không chỉ đảm đang với vai trò là người vợ, người mẹ, những người phụ nữ trên là đại diện cho những nữ doanh nhân tiêu biểu không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, biết lao động sáng tạo vươn lên làm giàu, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà nói chung.
Minh Tâm
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh