Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, Võ Văn Sang, SN 1991, trú tại thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), năm 2014 Sang tốt nghiệp Đại học Nông Lâm - Huế. Ra trường, Sang khăn gói vào tỉnh Kon Tum làm công việc kỹ thuật nông nghiệp với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Trong một lần tình cờ xuống thăm nhà người anh họ ở Đà Nẵng, Sang thấy gia đình anh nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhận thấy ở huyện Lệ Thủy chưa ai nuôi loài cá này, trong khi nguồn thức ăn cho cá chình còn dồi dào có thể kiếm dễ dàng.
Chàng trai 9X Võ Văn Sang bên ao nuôi cá chình. Ảnh: Trần Anh
Ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2016, Võ Văn Sang quyết định bỏ việc trở về quê khởi nghiệp bằng mô hình nuôi cá chình thịt.
Ngày đầu bắt tay vào thực hiện, Sang vay ngân hàng 150 triệu đồng để đào ao với diện tích 500m2, mua máy xay thức ăn, máy sục khí, thiết bị đo độ PH (độ chua trong đất, nước), hệ thống cấp và thoát nước.
Sang còn lặn lội bắt xe khách vào Trung tâm Giống cá chình ở tỉnh Khánh Hòa để học hỏi kinh nghiệm và mua cá chình giống về nuôi.
Trên diện tích 1.000m2, Sang thả 1.000 cá chình giống. Ảnh: AT
Lứa cá đầu tiên xuất bán, Sang thu lãi trên 100 triệu đồng . Đến nay, mô hình nuôi cá chình được Sang mở rộng lên 1.000m2, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Nguyễn Văn Sang chia sẻ vơi phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Loài cá chình phân đàn lớn nên trên diện tích 1.000m2 tôi thả 1.000 con cá chình và khoanh lưới thành 5 ô, quá trình nuôi từ 2 đến 3 tháng phải tách đàn theo kích thước từng con. Trải qua một năm nuôi, cá chình sẽ thu hoạch được”.
“Đặc tính của cá chình là ngủ ngày, ăn vào buổi đêm. Mỗi ngày tôi cho cá chình ăn vào lúc 6h tối. Nguồn thức ăn của cá chình cũng dễ kiếm, giá phải chăng. Mùa hè xay cá biển, mùa đông xay cá rô phi làm thức ăn cho cá chình” – Sang bật mí kinh nghiệm nuôi cá chình.
Võ Văn Sang thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng của đàn cá chình. Ảnh: TA
“Nuôi cá chình nước ngọt vừa dễ cũng vừa khó. Loài cá này lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn cho cá có thể dễ kiếm được từ địa phương. Điều khó nhất nằm ở nguồn nước, phải kiểm tra nước thường xuyên, nếu nước cạn quá cá sẽ bị nóng hoặc bị lạnh. Nếu bùn, nước trong ao nuôi cá chình nhiễm phèn phải bón vôi rồi thay nước mới” - Sang chia sẻ kỹ thuật nuôi cá chình.
Theo Võ Văn Sang, thị trường tiêu thụ cá chình do anh nuôi hiện chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình, TP. Đà Nẵng với giá 520.000 đồng/kg và anh đang mở rộng thị trường miền Bắc và miền Nam. Sang nuôi được bao nhiêu, các thương lái đến tận nhà để thu mua nhưng hiện tại sản lượng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.
Võ Văn Sang đang mở rộng quy mô nuôi cá chình và hiện đang mở rộng thị trường cho loại cá "ngủ ngày cày đêm" này. Nhờ nuôi cá chính, chàng trai 9X đầu đời Võ Văn Sang lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: TA
Ngoài nuôi cá chình, Sang còn đầu tư nuôi cá trắm, cá leo cùng với việc trồng, chăm sóc 6ha rừng tràm. Từ năm 2017 đến nay, Sang thu lãi trên 300 triệu đồng từ mô hình tổng hợp này.
Đầu năm 2018, Võ Văn Sang cùng với 2 người anh trong huyện thành lập CLB Khởi Nghiệp huyện Lệ Thủy. Quá trình hoạt động, CLB đã hỗ trợ, đồng hành giúp được nhiều người phát triển nhiều mô hình kinh tế.
Cũng trong năm 2018, Võ Văn Sang được Tỉnh đoàn Quảng Bình tuyên dương và tặng Bằng khen về thành tích “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.
Cá chình là món đặc sản trứ danh được nhiều người săn lùng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Thành Chuân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thủy chia sẻ:. “Mô hình nuôi cá chình của Võ Văn Sang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương cũng đã đến tận mô hình của Sang để học hỏi cách nuôi cá chình. Võ Văn Sang là một hội viên nông dân rất tích cực của xã, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, nhất là kinh nghiệm nuôi cá cho bà con cùng làm ăn. Địa phương cũng hỗ trợ chính sách vay vốn để Sang tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình”.
Theo Anh Tập/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn