Đặt vấn đề mở đầu hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Trần Thế Dũng đề nghị các đại biểu đi sâu phân tích các nội dung nghị quyết, trình bày rõ quan điểm nhận thức của bản thân về nghị quyết; đối chiếu với tình hình thực tiễn của đơn vị; kiến nghị giải pháp đối với ngành, đơn vị mình cũng như đối với cấp trên...
Khẳng định vai trò, sự cần thiết của các nghị quyết, đại biểu đã tập trung phân tích nội dung, đồng thời liên hệ tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị mình.
Đại biểu cho rằng, các Nghị quyết Trung ương 6 đã kế thừa tốt kết quả của sự chỉ đạo, lãnh đạo từ trước đến nay; đồng thời xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới.
Về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trong quy hoạch mạng lưới, giảm đầu mối nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ công; cải cách bộ máy cần gắn liền với nâng cao năng lực của độ ngũ cán bộ và cải cách thủ tục hành chính.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Liệu: Trước khi ra đời nghị quyết 18-NQ/TW thì Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên mạnh dạn thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế và đã cụ thể hóa bằng Kết luận 05-KL/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Với nghị quyết 19-NQ/TW, đại biểu băn khoăn việc xác định trường đầu mối, các trường vệ sinh ra sao; sáp nhập các trường nghề thực hiện như thế nào; tách mạng lưới y tế trường học thì tách ra sao?
Đại biểu cũng nêu lên những khó khăn trong cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), cắt giảm đầu mối ngành y; các ý kiến xung quanh việc xử lý vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu: Theo tinh thần Nghị định 46 và Nghị định 16, những năm gần đây, ngành y tế đã thực hiện đổi mới cơ chế tài chính hướng đến tự chủ tài chính. Hệ thống y tế tuyến huyện đã vận hành theo cơ chế tự chủ qua đó mỗi năm giảm ngân sách 180 tỷ; tuy nhiên, trong cơ chế thanh toán BHYT còn nhiều vướng mắc
Nhìn nhận thực trạng Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có mức sinh cao, tốc độ già hóa dân số nhanh (trên 65 tuổi chiếm 11%, dưới 15 tuổi chiếm 22,8%)..., đại biểu phân tích một số khó khăn trong thực hiện nghị quyết về công tác dân số.
Trưởng Ban VH-XH (HĐND tỉnh) Đoàn Đình Anh: Về nội dung chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện tại Bệnh viện phổi và Bệnh viện tâm thần vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân, vậy thời gian tới có cách gì để phát huy hay hướng xử lý ra sao?
Đại biểu đề nghị tỉnh sớm có chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy các địa phương để các ngành dựa vào đó xây dựng kế hoạch hành động hợp lý; xây dựng đề án chi tiết cụ thể về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân: Cải cách bộ máy cần gắn liền với nâng cao năng lực của độ ngũ cán bộ và cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, khẳng định vai trò quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Hà Tĩnh là tỉnh đã thực hiện và có đổi mới sáng tạo trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả.
Điều đó được thể hiện cụ thể suốt quá trình từ năm 2011 đến nay và đặc biệt qua kết luận 05-KL/TU ngày 29/6/2016 của BTV Tỉnh ủy về “Một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị”.
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu khi đã thể hiện rõ nhận thức về học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ quan, đơn vị.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai sâu rộng việc nghiên cứu học tập, quán triệt nội dung nghị quyết; từ đó xây dựng chương trình hành động cụ thể; phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng theo hướng “Một người cùng làm nhiều việc, nhưng mỗi việc phải có một người chịu trách nhiệm chính”.
Để thực hiện quan điểm nghị quyết, mỗi tổ chức Đảng, đơn vị cần đổi mới bộ máy từ bên trong đến bên ngoài gắn với đổi mới phương thức quản lý, phân cấp quản lý rõ ràng. Chủ động tham mưu xây dựng đề án hoặc nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa nghị quyết, làm đến đâu chắc đến đó. Quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt và hiệu quả để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
“Trong nghị quyết, những nội dung nào thực tiễn đã chứng minh đúng thì làm ngay, nội dung nào còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục thảo luận, bàn bạc kỹ; nội dung nào cần tiến hành làm điểm thì làm điểm” - Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
* Thực hiện chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, ngay sau hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) tại Tỉnh ủy, chiều nay (30/11), Đảng bộ các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thảo luận tại tổ.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh đã tới dự và chỉ đạo hội nghị thảo luận Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) tại huyện Cẩm Xuyên.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Các Nghị quyết Trung ương 6 đã thảo luận và thông qua vô cùng cần thiết với thực tiễn hiện nay và liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ, hiệu quả quản lý Nhà nước và đời sống của người dân. Cùng với tinh thần tinh gọn bộ máy, Trung ương cũng đã thực hiện phân cấp phân quyền gắn liền với cơ chế kiểm soát quyền lực.
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, 4 Nghị quyết mà hội nghị Trung ương 6 thảo luận và thông qua vô cùng cần thiết với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Về Nghị quyết “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, thực tiễn tại địa phương hiện nay, nhiều đơn vị, ban ngành còn có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo. Đặc biệt, một số ban ngành, đơn vị có thể sát nhập để tinh gọn và phát huy hiệu quả hiệu lực như: Ban Dân vận với MTTQ huyện; Ban Tuyên giáo với Trung tâm chính trị huyện; một số trung tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp với phòng nông nghiệp…
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật: Tinh giảm biến chế phải gắn với đề án vị trí việc làm. Tuy nhiên, trong đề án vị trí việc làm của huyện đã được Sở Nội vụ phê duyệt, còn xây dựng về vị trí việc làm chung chung chứ chưa theo quy mô quản lý, trong khi thực hiện phân cấp thì địa phương còn phải thêm nhiều nhiệm vụ từ các sở, ngành bàn giao. Đối với bộ máy cấp xã thì đây là cơ hội để nghiên cứu thật sâu, góp ý kiện toàn lại bộ máy, tránh những bất cập như lâu nay…
Đối với cấp xã, đề nghị Trung ương, tỉnh cần sớm tổng kết mô hình hợp nhất chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, thị trấn để rút kinh nghiệm nhân rộng. Về việc sát nhập thôn xóm và hợp nhất chức danh bí thư và xóm trưởng là chủ trương hết sức đúng đắn vì không chỉ tinh gọn được bộ máy cấp cơ sở mà còn tránh được tình trạng thôn, xóm, khối phố không có đảng viên. Đây cũng là một trong những giải pháp để sàng lọc cán bộ và tăng cường sức mạnh của Đảng; song, cần xem xét lại phụ cấp cho đội ngũ này.
Các đại biểu cũng cho rằng, Trung ương cần có quy định cụ thể về chỉ tiêu định mức biên chế theo quy mô dân số; cần có sự đồng bộ trong các văn bản chỉ đạo, tránh những vướng mắc làm chậm lộ trình thực hiện như việc sát nhập thôn xóm lâu nay (phải chờ HĐND tỉnh phê duyệt)…
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Đặng Quốc Cương: Việc sát nhập thôn xóm Cẩm Xuyên đã làm rất tốt và tiếp tục tập trung cho việc này, hướng tới thôn, xóm, tổ dân phố tự quản và không trắng đảng viên…
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh đề nghị huyện Cẩm Xuyên tổ chức học tập, nghiên cứu và quán triệt nội dung hội nghị Trung ương 6 tới tận từng cán bộ và nhân dân, tiến tới xây dựng chương trình hành động sát với yêu cầu thực tiễn, từng bước đưa nội dung các Nghị quyết đi vào đời sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phục vụ người dân tốt hơn.
Dự và chỉ đạo thảo luận tại huyện Can Lộc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải yêu cầu đại biểu phải bám vào nội dung của các nghị quyết. Mỗi nghị quyết phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Đối với một số cơ quan, phòng, ban, các xã, có thể thực hiện đối với những nơi có điều kiện, có nhiều điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời khi triển khai thực hiện phải xây dựng đề án sát thực.
Dựa trên các nội dung được quán triệt, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhằm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, triển khai các nội dung của nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Trong việc sáp nhập một số phòng, ban, đơn vị sự nghiệp cần thực hiện theo lộ trình, cách làm đảm bảo khoa học.
Các đại biểu cũng đồng tình và cho rằng việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị, các xã chưa đảm bảo về diện tích, dân số trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, đồng thời cần tiếp tục khuyến khích việc sáp nhập thôn xóm, nâng cao hiệu quả hoạt động cuat các chi hội, chi đoàn; cần cân đối lại đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, giảm số lượng cán bộ bán chuyên trách theo hướng tin gọn, kiêm nhiệm. Có giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp.
Hội nghị trung ương 6 (khóa XII) được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 4/10/2017-11/10/2017) đã hoàn thiện nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng, đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, cấp bách, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, trong đó có 4 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết 21-NQ/TW về về công tác dân số trong tình hình mới. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn