Cùng dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đặt vấn đề mở đầu cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, rút ra những bài học kinh nghiệm, những khó khăn vướng mắc của Quảng Ninh trong quá trình tinh giản bộ máy, biên chế, cải cách hành chính để áp dụng, triển khai tại Hà Tĩnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn: Quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, công minh bạch, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả
Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, công minh bạch, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả nhưng không nóng vội, áp đặt, duy ý chí.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung có thể vận dụng, triển khai tại Hà Tĩnh như: sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh để áp dụng vào thực tiễn Hà Tĩnh.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch, việc nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và UBND đã tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.
“Căn cứ thực tế địa phương để có cách làm phù hợp, cân nhắc kỹ, tránh làm lại; xem xét thí điểm ở một số huyện. Cần tăng cường đào tạo cán bộ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc khi nhất thể hóa chức danh” - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nói.
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Trần Tú Anh khẳng định, việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ đầu tư cấp tỉnh là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang cho rằng, điểm mấu chốt của mô hình một cửa tập trung là phải đảm bảo được sự quản lý thống nhất, duy trì được cơ chế phối hợp giữa người tiếp nhận với các sở, ngành chuyên môn và không làm thay đổi thẩm quyền đã được quy định trong luật, các văn bản QPPL chuyên ngành.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận kế hoạch xây dựng các đề án: Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế; Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh; Trung tâm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư cấp tỉnh; Trung tâm hành chính công ở một số đơn vị cấp huyện.
Các đại biểu nhất trí cao với việc tinh giản bộ máy, biên chế; thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và một số đơn vị cấp huyện. Tuy nhiên, về phương pháp, cách làm cần có những điều chỉnh phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, việc tinh giản bộ máy, biên chế và sáp nhập các chức danh tương đồng phải làm bài bản, đúng luật, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên.
Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về các nội dung liên quan kế hoạch xây dựng các đề án: Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế; Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh; Trung tâm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư cấp tỉnh; Trung tâm hành chính công ở một số đơn vị cấp huyện.
Báo Hà Tĩnh tiếp tục cập nhật nội dung cuộc họp.
Trước đó, ngày 6-8/5, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác và học tập kinh nghiệm kết quả thực hiện Đề án về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế (gọi tắt là đề án 25) tại tỉnh Quảng Ninh.
Thực hiện đề án 25, Quảng Ninh đã sắp xếp tổ chức bộ máy và nhất thể hóa một số chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có 1 người hoặc 1 đơn vị chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm”. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công (HCC). Từ 5 Trung tâm hành chính công cấp huyện triển khai thực hiện điểm, Quảng Ninh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện. Các địa phương đã đưa 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết vào giải quyết tại Trung tâm. Đến nay, Quảng Ninh đã giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương; đã thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện tại 2/14 địa phương cấp huyện, 33,87% ở cấp xã và nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng tại nhiều huyện, thị. Về tinh giản biên chế, Quảng Ninh đã tinh giản 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; giảm phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 vị trí không chuyên trách ở cơ sở. Hàng năm dự kiến tiết kiệm 300 tỷ đồng từ tinh giản bộ máy, biên chế. Những kết quả về CCHC đã đưa Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm tỉnh, tỉnh thành phố dẫn đầu về xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục trong 3 năm qua. Thu ngân sách luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước (năm 2015 đạt gần 35.000 tỷ đồng). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn