Là xã phụ cận của TP Hà Tĩnh nhưng có điểm xuất phát thấp, những năm qua chính quyền và nhân dân xã Thạch Hưng gặp không ít khó khăn trong xây dựng NTM, nhất là khi người dân vẫn còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc.
Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ và chính quyền xã Thạch Hưng đã quyết tâm vào cuộc, thay đổi nhận thức từ người dân. Sau hàng chục cuộc họp, vận động, tuyên truyền, người dân đã dần hiểu ra vai trò chủ thể của mình trong công cuộc xây dựng NTM, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Chính sự vào cuộc, chung tay góp sức từ người dân, diện mạo Thạch Hưng đã từng bước thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từng bước được nâng cao, hiện đại, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển.
Nhà văn hóa thôn khang trang, hiện đại
Dẫn chúng tôi đi một vòng các thôn, chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã tự hào: “Trước đây những con đường này chỉ rộng 2 – 3m, bùn lầy, tre tro phủ kín hai bên lối đi, xe máy còn khó vào được chứ đừng nói đến ô tô. Nhờ phong trào hiến đất mở đường, người dân tự nguyện hiến hàng ngàn mét đất, bỏ ra hàng ngàn ngày công mới có được con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ như bây giờ”.
Gia đình ông Trần Thắng (xóm Tiến Hưng) là gương điển hình trong phong trào hiến đất ở xã Thạch Hưng với 100m2 đất trong vườn. Ông Thắng vui vẻ chia sẻ: “Làm NTM là làm cho mình, hiến đất mở đường là mình hưởng lợi trước, tiếc gì mà không hiến. Trước đây, đường sá ở Thạch Hưng mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mịt mù, cây cối lấn ra đường chật hẹp. Chẳng ai nghĩ phong trào NTM có thể thay đổi diện mạo nhanh như thế này. Cứ người sau nhìn người trước nên cả làng cùng nhau hiến đất, mở đường”.
Đường sá thôn rộng rãi, sạch sẽ sau khi được chính quyền vận động hiến đất làm đường.
Theo thống kê, toàn xã Thạch Hưng có 191 hộ hiến đất mở đường với diện tích gần 3.000m2 trị giá hơn 3 tỷ đồng, các công trình tường rào, vật kiến trúc trên đất trị giá gần 2 tỷ đồng.
Xác định xây dựng NTM phải bền vững, xã Thạch Hưng tích cực vận động người dân mạnh dạn phát triển các ngành nghề truyền thống như nuôi trồng thủy sản, làm bánh đa nem, nghề mộc… để nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính quê hương mình. Tính đến cuối năm 2017, xã thành lập được 3 HTX, 3 tổ hợp tác hoạt động trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,75 triệu đồng/năm.
Gia đình bà Lê Thị Hường (xóm Trung Hưng) là một trong những hộ dân tiên phong đăng ký làm vườn mẫu. Với diện tích gần 1.500m2, mỗi năm gia đình bà Hường có thêm 60 triệu đồng thu nhập từ vườn.
Bà Hường phấn khởi: “Trước đây vườn gia đình rộng nhưng chủ yếu là tre tro và cây tạp. Từ ngày có phong trào xây dựng NTM, tôi được các cán bộ xã hướng dẫn xây dựng vườn mẫu, quy hoạch khu chăn nuôi, khu trồng cây ăn quả, khu trồng rau màu… Nhờ đó, vườn tược không chỉ sạch sẽ, khang trang hơn mà còn có thêm thu nhập nữa”.
Một trong những vườn mẫu mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Nguyễn Chính Đàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết: “Cái khó nhất ở Thạch Hưng là thay đổi nhận thức cho người dân về chương trình NTM. Ngay từ đầu, xác định người dân là chủ thể chính trong xây dựng NTM, Đảng bộ và chính quyền xã quyết tâm cao thay đổi tư duy từ cán bộ đến nhân dân. Địa phương tổ chức những chuyến tham quan, học tập ở các xã đạt chuẩn NTM, ra sức vận động người dân phá bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa… Hiện nay, đã có 6/6 thôn triển khai phương án xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong đó có 2 thôn (thôn Hòa và thôn Trung Hưng) đã hoàn thành các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
“Hiện xã đã hoàn thành 20/20 tiêu chí NTM, đang chờ đoàn đánh giá của tỉnh về thẩm định trong thời gian tới. Năm nay, chúng tôi tự tin Thạch Hưng sẽ cán đích NTM và tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh để sánh ngang với các phường xã khác của thành phố Hà Tĩnh”, ông Đàn cho biết thêm.
Thuý Nga/ ANTT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn